MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nếu doanh nghiệp tặng xe sang, tôi nhận và báo cáo Thủ tướng'

Nếu bây giờ DN tặng xe, tôi nhận và báo cáo ngay Chính phủ, Thủ tướng xin ý kiến - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nêu.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra CP) Phạm Trọng Đạt cho biết, hiện Cục vẫn dùng chung xe với Thanh tra CP nên nhiều khi ảnh hưởng tới tính kịp thời và bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng.

Vì vậy, nếu có DN tặng xe cho Cục, tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng - ông nói.


Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra CP) Phạm Trọng Đạt

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra CP) Phạm Trọng Đạt

“Vấn đề là nhận và phải cho vào tài sản của Thanh tra CP, rồi trừ đi tiêu chuẩn xe của Cục. Nhưng điều kiện quan trọng nhất là DN ấy phải không có liên quan gì đến hoạt động công vụ của Cục”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, cá nhân và cơ quan đơn vị tặng và nhận xe không được liên quan đến hoạt động công vụ.

“DN đang làm ăn thua lỗ, có nhiều vấn đề hoặc đang trong quá trình thanh tra thì tuyệt đối không được vì xung đột lợi ích. Phải thoả đáng mọi lý lẽ và quy định của pháp luật thì mới có thể nhận”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhấn mạnh.

Đúng luật nhưng khó thấu tình

Vừa qua tại một số địa phương rộ lên câu chuyện DN tặng xe sang cho chính quyền, trong đó có những chiếc xe trị giá vài tỷ đồng. Theo ông, việc tặng và nhận quà tặng như thế có đúng với các quy định?

Quyết định 64 của Thủ tướng nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng có liên quan đến hoạt động công vụ.

Thế nhưng trong thực tế cũng có trường hợp được phép nhận quà với điều kiện làm đúng thủ tục, quy trình. Cụ thể, khi nhận phải thông báo cho cơ quan thẩm quyền việc nhận quà, động cơ, mục đích của việc nhận quà.

Cùng với đó, phải xác định giá trị quà tặng và công khai đưa vào phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, phải báo cáo cấp trên. Ví dụ, chủ tịch tỉnh phải báo cáo lên Thủ tướng, Chính phủ quyết định.

Nếu tất cả các thủ tục ấy được thực hiện thì việc nhận quà tặng là đúng luật.

Nhưng việc 1 DN tặng xe hàng tỷ đồng cho chính quyền như vậy khó có thể nói trong sáng, là tấm lòng hảo tâm của DN muốn giúp địa phương?

Xác định được việc này cần kiểm tra lợi nhuận của DN, xem DN hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước thế nào, làm ăn lỗ lãi ra sao mà tặng xe vài tỷ như thế.

Và sau khi tặng xe, DN có được địa phương ưu đãi gì không… Việc này tuy không dễ nhưng là cần thiết để xoá tan nghi ngờ trong dư luận.

Rõ ràng việc DN tặng xe sang cho địa phương, dù đúng luật cũng khó mà “thấu tình”. Dư luận có lý khi cho rằng, nếu đã muốn đóng góp, muốn tặng quà cho địa phương có nhiều cách ý nghĩa hơn rất nhiều như xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào công tác xoá đói giảm nghèo.

Khi ấy, cái lợi tất cả mọi người đều thấy. Còn tặng xe chỉ phục vụ cho rất ít người thôi nên dư luận người ta đặt câu hỏi là tất nhiên.

Còn để trả lời có sai hay không thì phải làm rõ động cơ, mục đích của DN và có sự ưu ái của địa phương dành cho DN hay không. Nếu có bất cứ sự ưu ái nào, dù là nhỏ thì dư luận dễ hiểu rằng, giữa DN và địa phương đã có sự trao đổi, thoả thuận từ trước chứ không đơn thuần là tấm lòng hảo tâm của DN.

Còn nếu có sự ưu ái vượt khỏi khung pháp luật cho phép thì rõ ràng người ta có cơ sở để nói cả bên cho và bên nhận đều không chí công vô tư, động cơ không trong sáng.

Nhận quà rồi không thể không ưu ái

Theo ông, sau khi các địa phương đã nhận xe sang DN tặng rồi, liệu các quyết định của chính quyền liên quan đến DN đó có đảm bảo được tính công bằng với những DN khác hoặc chẳng may DN này vi phạm điều gì đó, chính quyền có còn mạnh tay xử lý?

Chúng ta không thể vội vàng kết luận điều gì, vì dù sao những chiếc xe đó đều được đưa vào tài sản công và dùng vì mục đích chung của chính quyền.

Vì thế cần có giai đoạn xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, xem sau khi nhận quà chính quyền có cho DN dự án, ưu ái gì không, hay tặng quà rồi sau này DN đó sai phạm, chính quyền có dám nặng tay xử lý không…

Tôi chắc chắn khi hỏi họ đều trả lời dám kiên quyết xử lý và không có ưu ái gì, nhưng thực tế thì khó lắm. Việc này liên quan đến xung đột lợi ích. Và nó sẽ trở thành câu chuyện phản cảm nếu có sự “phân biệt đối xử” địa phương dành cho DN tặng quà và DN không tặng quà.

Quyết định 64 nói rõ rồi, cấm tặng, nhận quà mà liên quan đến hoạt động công vụ. Nhưng chuyện DN tặng xe cho địa phương thì rõ ràng có liên quan đến nhau trong hoạt động công vụ, bởi một bên nắm vai trò quyết định các thủ tục hành chính, cấp phép dự án, còn một bên thì lại đi làm những thủ tục ấy…

Như vậy là xung đột lợi ích, nhưng luật lại chưa tính tới cái đó.

Để tránh chuyện nhập nhèm sáng tối như ông nói là có liên quan đến xung đột lợi ích, có nên cấm DN tặng quà cho chính quyền, các cơ quan, đơn vị nhà nước?

Những cái cấm trong Quyết định 64 của Thủ tướng đã quy định rất rõ rồi.

Tôi thì cho rằng nếu ở trong mối quan hệ có xung đột lợi ích (chính quyền và DN) thì không nên tặng và nhận quà. DN trực tiếp tặng xe cho chính quyền thì dù thế nào cũng khiến người ta hiểu có chuyện lợi ích nhóm ở đây.

Phải xét cho cặn kẽ vì biết đâu kiểu tặng quà này cũng là một hình thức biến tướng của hối lộ, tham nhũng. Hôm nay họ tặng xe, mai họ xin tạo điều kiện cho cái này cái kia thì không thể không ưu ái được.

Theo Thu Hằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên