Nếu được Quốc hội thông qua, 97% doanh nghiệp sẽ được giảm thuế
Chiều nay, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được thảo luận tại nghị trường. Báo Trí Thức Trẻ có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người đã tham gia soạn thảo dự thảo Luật này.
- 20-05-2017Doanh nghiệp than Boeing "bó tay" ở Việt Nam, Bộ ra tay sửa quy định
- 20-05-2017Chuyện tranh thủ quảng cáo, xin hỗ trợ và xin... đi thẳng vào vấn đề ở Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017
- 19-05-2017Hé lộ chuyện 'đi đêm' của doanh nghiệp FDI
- 18-05-2017Doanh nghiệp bối rối với yêu cầu 'báo cáo lợi nhuận liên quốc gia'
Dự thảo Luật DNNVV đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban soạn thảo đã chuẩn bị những gì để bảo vệ, giải trình trước Quốc hội?
Chúng tôi không chỉ ghi nhận các ý kiến từ hội thảo mà còn tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ý kiến tổ chức cá nhân liên quan. Chúng tôi đã cùng Uỷ ban Kinh tế rà soát rất kỹ, cái gì tiếp thu được, cái gì không để đưa vào dự thảo. Trên thực tế, ban soạn thảo đã sửa đổi, tiếp thu rất nhiều.
Đã có ý kiến cho rằng, ngay từ cái tên của dự thảo Luật đã không đạt yêu cầu, thậm chí vi phạm các cam kết quốc tế, ông bình luận gì về điều này?
Tên Luật không phản ánh được tất cả bản chất, nội hàm. Tôi cũng khẳng định dùng từ “hỗ trợ” cũng không vi phạm các cam kết quốc tế. Bởi các DNNVV là đối tượng được loại trừ trong cam kết quốc tế cả WTO lẫn các FTA. Vì vậy, hỗ trợ các đối tượng này sẽ không ảnh hưởng tới cam kết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn toàn tuân theo nguyên tắc thị trường, trong Luật không có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hay bao cấp.
Điều 8 của dự thảo Luật quy định về tiếp cận tín dụng cũng chưa nêu rõ được biện pháp?
Trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định về chuyện đó chứ dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV không nêu. Chính phủ sẽ quyết định từng việc hỗ trợ tín dụng cho DNNVV vay trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, nó thuộc nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV không nêu cụ thể để Ngân hàng có thể linh hoạt trong từng thời kỳ, đặc biệt, trong chuyện kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Đâu là điểm mạnh nhất để Ban soạn thảo tin rằng có thể thuyết phục các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật này?
Hiện số lượng DNNVV là rất lớn, chiếm 97% trong nền kinh tế. Qua khảo sát, có thể thấy họ thiếu thốn, khó khăn từ vốn, đất đai, công nghệ cho đến thủ tục hành chính. Việc Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua sẽ giúp giảm khó cho doanh nghiệp.
Đơn cử như tại điều 10, quy định về hỗ trợ thuế và kế toán. Doanh nghiệp được hỗ trợ có thời hạn với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn doanh nghiệp thông thường. Thuế thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ, mở rộng sản xuất.
Về kế toán, doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản: không phải có bộ máy kế toán trưởng, thủ tục, form mẫu, tần suất về thuế cũng được giảm đi. Tuy nhiên những cái này không được quy định trong dự thảo mà quy định ở Luật Kế toán và Thuế sửa đổi sắp tới.
Dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc để các Luật khác sửa đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Do đó, trong lần trước, chúng tôi nhận được phản hồi là cơ chế hỗ trợ không rõ ràng, nói thuế giảm nhưng không nói là giảm bao nhiêu, thực chất là người ta không hiểu. Quốc hội có quy định không được làm “nát” Luật Thuế. Vì vậy, không được sửa các vấn đề về thuế trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Ông kỳ vọng như thế nào với dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV này?
Tôi mong rằng những biện pháp được đưa ra sẽ hỗ trợ, giảm thiểu gánh nặng cho DNNVV. Luật cũng đặt trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng phát triển, ví dụ: hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Tức hỗ trợ các ông trường chuyên lớp chọn có tiềm năng, không phải kiểu bao cấp, phát chẩn. Bởi lẽ, nguồn lực là có hạn.
Bên cạnh đó, cũng hi vọng tạo ra được một cơ chế huy động sự đầu tư của tư nhân vào hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhà nước cũng cùng tham gia vào, dẫn dắt, định hướng.
Cảm ơn ông!