MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu mục tiêu của cuộc đời là sống hạnh phúc, vậy hạnh phúc là gì và bạn có chắc mình đang theo đuổi đúng không?

09-07-2020 - 18:31 PM | Sống

Chúng ta nhắc tới hạnh phúc mỗi ngày như một mục tiêu lớn nhất của cuộc sống. Nhưng liệu có ai nói rằng họ đã chạm tay tới hạnh phúc, hay những thứ họ chạm tới đó chỉ bàng bạc tựa hạnh phúc?

Hạnh phúc là gì?

Nếu tôi hỏi tình cờ vài người, họ sẽ trả lời rằng như là: Hạnh phúc là cuối tháng được lĩnh lương đúng ngày, đi làm về có người nấu ăn cho, sau vài tháng làm việc vất vả được đi du lịch. Có vài người sẽ trả lời với những khái niệm trừu tượng hơn, tinh thần hơn. Đó đều là những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Không có vấn đề gì với những phút giây thư thái, thoải mái, tận hưởng đó cả - dù là vật chất hay tinh thần. Vậy vấn đề của hạnh phúc là gì?

Vấn đề của hạnh phúc là việc không ai thực sự biết nó chính xác là gì. Hạnh phúc vốn vô hình, đôi phần bí hiểm và khiến chúng ta đều mong muốn có được. Nó giống như “quy luật về cánh cửa bí mật” (Law of Secret Door) với câu chuyện chiếc hộp Pandora, càng bí ẩn ta càng muốn hé mở. Nhưng, cố gắng để hạnh phúc cũng giống như việc bạn cố ngủ; bạn càng cố thì càng khó ngủ. 

Khi không biết hạnh phúc là gì, chúng ta sẽ càng muốn có được và gán cho hạnh phúc bằng những giá trị vật chất và tinh thần cụ thể. Hạnh phúc là một khái niệm được đặt nghĩa vì không ai thực sự hiểu; chúng ta miêu tả những thứ tạo nên hạnh phúc, cảm giác xoay quanh hạnh phúc, ví von những điều giống với hạnh phúc hay các phép so sánh đầy trừu tượng. Chỉ là đôi khi, chúng ta quá đề cao hạnh phúc và đặt nó lên trên mọi thước đo khác cần thiết để làm động lực tiến lên. 

Hạnh phúc hay thành công: Thế giới đâu dùng chung một loại thước đo?

Ý tôi, không phải là bảo mọi người không cần hạnh phúc trong cuộc sống - chúng ta cần cảm thấy hạnh phúc, dù là ngắn hạn hay dài hạn. Tuy nhiên, đừng tôn thờ hạnh phúc và coi hạnh phúc là một cái đích đến khác trong cuộc đời. Khi đã đặt hạnh phúc làm một cột mốc, trước mắt chúng ta chỉ có cái đích đó và cứ phăng phăng lao tới. Nói đơn giản là, khi bạn đang hạnh phúc, bạn có bao giờ nghĩ rằng mình... phải hạnh phúc hơn? 

Hạnh phúc, với tôi là một hành trình, những điều bạn làm trên hành trình đó sẽ đem lại hạnh phúc chứ không phải điểm cái đích cần với tay tới. Nói vậy để thấy, hạnh phúc có thể tồn tại ở bất cứ đâu, trong bất cứ điều gì bạn làm và hoàn toàn mang tính cá nhân. 

Chính vì vậy, tôi nghĩ việc “tôn thờ” hạnh phúc là một điều không khiến chúng ta đạt được nó, khi lúc nào trong đầu bạn cũng có một tư tưởng: “Phải hạnh phúc”. Mọi sự mắc kẹt trong một khái niệm đều khiến bạn bị nghĩa vụ hoàn thành đè nặng lên vai. Về bản thân, chúng ta sẽ không hạnh phúc vì (1) phải cố gắng và (2) phải tỏ ra với bên ngoài rằng mình hạnh phúc. 

Tuy nhiên, điều khó chịu hơn là cách những người như vậy đánh giá những người không theo đuổi giá trị “hạnh phúc”. Ta tạm lấy ví dụ về vật chất hay thành công đi, một cặp đối nghịch điển hình trong quan điểm hiện tại: Theo đuổi đam mê vật chất, thành công thì không có hạnh phúc và hạnh phúc không nằm ở giá trị vật chất. 

Theo đuổi thành công, sự nghiệp hay kể cả vật chất liệu có hạnh phúc không? Tôi hoàn toàn tin là có. Thành công và hạnh phúc vốn không phải hai cái đích để đến ngã ba đường chúng ta phải rẽ sang để chọn một. Hạnh phúc nảy mầm từ những điều bạn làm trong hành trình đi tới thành công - bạn hạnh phúc vì hôm nay đã quyết đoán ký một hợp đồng, bạn hạnh phúc vì thấy mình làm tốt hơn ngày hôm qua, bạn hạnh phúc vì cuối tháng vẫn sắp xếp được công việc và có thời gian nghỉ ngơi. Bạn hạnh phúc vì đã đạt được cột mốc sự nghiệp sớm hơn dự kiến. Đó là những cột mốc trên đường tới thành công, vậy nó không phải hạnh phúc sao? Theo đuổi thành công, sự nghiệp hay theo đuổi bất cứ điều gì cũng có thể mang lại hạnh phúc, miễn là bạn cảm thấy hạnh phúc. 

Tôi không thể biết chắc được một cô gái yêu đời hay ca hát đi xe máy có hạnh phúc hơn một cô gái đi ô tô mặt mũi bí xị; đó là cách người ta luôn gán cho sự bất hạnh của việc thành công, giàu có là không hạnh phúc. Vốn dĩ, bạn không cần phải đứng trước gương rồi cười mỗi sáng, tự nhủ rằng “hôm nay mình sẽ hạnh phúc”, đọc sách, sống đời an nhiên… để hạnh phúc. Tôi thấy ở hạnh phúc có những điều tương tự với chánh niệm - bạn có thể hạnh phúc trong bất cứ điều gì mình làm.

Phật giáo không bao giờ nói tới con đường đi tới hạnh phúc. Hạnh phúc được biểu hiện bằng những cảm xúc, phần nhiều là vui vẻ, rạng rỡ, nhưng cũng có người hạnh phúc mà vẫn khóc lóc, lo lắng. Những cảm xúc đó, hay kể cả hạnh phúc, chỉ như đám mây bay ngang cuộc đời còn chúng ta như đứa trẻ ở dưới ngước nhìn lên, không cố gắng đuổi theo hay chụp lấy. Có những niềm hạnh phúc ngắn ngủi, bay qua đầu nhanh rồi trời lại hửng nắng. Có những niềm hạnh phúc dài hơn, lửng lơ mãi trong cuộc đời rồi bay đi. 

Nói như vậy, để thấy rằng, hạnh phúc là một phần của cuộc sống, sẽ đến trong cuộc sống của bạn vào lúc này hay lúc khác.

Nếu không theo đuổi hạnh phúc, cuộc sống còn ý nghĩa gì?

Còn ngay trong lời nói đó: Ý nghĩa (Meaning).

Trong thế giới quan của nhiều người, nếu như hạnh phúc nảy sinh từ từng hành động, đến từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thì ý nghĩa là điều bao trùm phổ quát, chi phối tới con đường chúng ta luôn hướng tới. Nếu ai đó hỏi tôi rằng, tuổi trẻ này nếu không theo đuổi vật chất hay hạnh phúc thì nên theo đuổi điều gì: Đi tìm một ý nghĩa.

Khi bạn theo đuổi hạnh phúc, bạn thấy niềm vui có giá trị, những điều tích cực có giá trị, đa phần nỗi buồn không mang đến hạnh phúc (vẫn có ngoại lệ như tôi đề cập ở trên). Khi bạn theo đuổi ý nghĩa cuộc sống, kể cả sự thất bại, tức giận cũng mang đến những bài học để bạn có thể soi chiếu, hiểu hơn về cuộc đời mình.

Nếu mục tiêu của cuộc đời là sống hạnh phúc, vậy hạnh phúc là gì và bạn có chắc mình đang theo đuổi đúng không? - Ảnh 1.

Nhiều người nói rằng họ thấy trống rỗng vì không có động lực để làm việc, không muốn thức dậy mỗi sáng. Họ lo lắng vì bị bỏ lại phía sau, vì công việc không ổn định, vì sức khỏe đang dần đi xuống; họ cảm thấy mình như chú hamster cứ chạy mãi trong vòng xoay nhưng không bao giờ tới được đâu. Sự “trống rỗng hiện sinh” đó tồn tại tạo ra những cách giải quyết vấn đề khác biệt. Nhiều người cảm thấy mình như những “tù nhân” trong chính cuộc sống của mình. 

Chúng ta không chỉ sống với niềm vui, chúng ta sống với sự chấp nhận rằng cuộc sống có những lúc sóng gió. Hạnh phúc đôi khi khiến người ta lánh xa những điều tiêu cực, thất bại. Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng, theo đuổi hạnh phúc không phải điều quan trọng nhất khi tìm ra ý nghĩa cuộc sống mới thực sự hữu ích. Việc tìm kiếm hạnh phúc không giúp giải quyết những thách thức chúng ta phải đối mặt hay sự trống rỗng mỗi người phải trải qua. Bạn vẫn thấy vui vì có lương, vì sếp khen nhưng không ngừng tự hỏi, đây có phải điều thực sự mình muốn làm và giá trị cuộc đời mình có nằm ở đó?

Tôi hình dung về ý nghĩa cuộc đời (hay bạn có thể nói là động lực, mục tiêu) không phải thứ quá trừu tượng - đó là điều thôi thúc tôi thức dậy mỗi sáng, khiến tôi muốn làm dù đang vui hay đang buồn. Tôi thấy nó cứ ở trong đầu mình từ năm này qua năm khác. Ý nghĩa cuộc đời tôi nằm ở những trải nghiệm văn hóa và cuộc sống, những chuyến du lịch tới nhiều đất nước xa xôi. Hỏi tôi có vui không? Có, những chuyến đi khiến tôi vui. Hỏi tôi rằng có lúc nào tôi thấy buồn không? Có, khi bị móc túi, cướp, ngã xe, chậm giờ tàu chạy… Nhưng tất cả, tôi cảm thấy “trọn vẹn” vì nó đều là những trải nghiệm cần thiết.

Ai đó sẽ nói rằng, đi tìm điều gì cũng là sự viển vông và mông lung. Với tôi, tìm được ý nghĩa cuộc đời cũng là một hành trình đãi cát tìm vàng. Đôi khi nó không nằm ở việc bạn có tìm được hay không nhưng những bài học trên hành trình tìm kiếm ấy sẽ hé lộ nhiều điều tuyệt vời.

Nếu mục tiêu của cuộc đời là sống hạnh phúc, vậy hạnh phúc là gì và bạn có chắc mình đang theo đuổi đúng không? - Ảnh 2.

Theo Minh Đức - Thùy Tiên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên