Nếu Mỹ và Trung Quốc chia đôi thế giới công nghệ, người tiêu dùng sẽ... lãnh đủ?
Cạnh tranh công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong sự đối đầu và tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc, với nhiều ý nghĩa đối với các chuỗi cung ứng CNTT toàn cầu đang đặt tại châu Á và Mỹ.
- 25-05-2019Cổ phiếu công nghệ lên ngôi, đầu tư giá trị đã hết thời?
- 25-05-2019Đưa Huawei vào danh sách đen, liệu Mỹ vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành một quốc gia tự cường về công nghệ?
- 23-05-2019"Made in USA" vs "Made in China": Khi chiến tranh thương mại nâng tầm thành Đại chiến công nghệ (P.1)
Nếu những căng thẳng đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington buộc các công ty phải phát triển hai "bộ" công nghệ khác nhau - một dành cho Trung Quốc và các nước "cùng phe" với họ, và một dành cho phần còn lại của thế giới - thì đó sẽ là tin xấu đối với tất cả mọi người, theo một quản lý cấp cao tại một công ty công nghệ đa quốc gia.
"Thứ nhất, việc phát triển công nghệ sẽ trở nên đắt hơn", Mahendra Negi, giám đốc tài chính của Trend Micro, phát biểu với chương trình Street Signs của CNBC vào hôm thứ Ba. Công ty của ông hiện chuyên về phát triển phần mềm an ninh mạng, giúp bảo vệ dữ liệu của các công ty khỏi sự tấn công của tin tặc.
"Thứ hai, những quy định của mỗi địa phương có thể thúc đẩy sự phát triển ở các bộ phận khác nhau, vì vậy bạn sẽ gặp vấn đề về khả năng tương thích. Ví dụ: người dùng có thể buộc phải có nhiều điện thoại thông minh khác nhau - một chiếc hoạt động ở Trung Quốc và một chiếc khác hoạt động bên ngoài quốc gia này", ông phân tích.
Theo các nhà phân tích, cạnh tranh công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong sự đối đầu và tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc, với nhiều ý nghĩa đối với các chuỗi cung ứng CNTT toàn cầu đang đặt tại châu Á và Mỹ. Nhiều người đã cảnh báo rằng những bất đồng hiện tại có thể đẩy nhanh một "splinternet" - một tương lai mà trong đó các mạng kĩ thuật số toàn cầu bị phân mảnh, hoặc ít nhất là... chia đôi.
Gần đây, Mỹ đã liệt "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc là Huawei, công ty hàng đầu trong thế hệ tiếp theo của internet di động tốc độ cao, vào một "danh sách đen", khiến cho họ khó làm ăn với các công ty Mỹ hơn.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, nói với CNBC rằng Huawei bắt tay với chính phủ Trung Quốc – dù công ty này phủ nhận - và Washington đã cố gắng thuyết phục các đồng minh ngừng hợp tác với người khổng lồ trong ngành viễn thông này vì lý do an ninh quốc gia. Về phần mình, Bắc Kinh đã phản đối kịch liệt nhận xét của ông Pompeo. Huawei đã nhiều lần phủ nhận họ bị chính phủ hoặc các cơ quan tình báo của Trung Quốc "gây ảnh hưởng".
"Chúng tôi hy vọng rằng mọi chuyện sẽ xoay quanh các cuộc đàm phán thương mại và không thực sự diễn ra theo hướng mang lại những rào cản, khiến cho luồng dữ liệu hoặc dòng chảy của các sản phẩm trở nên rất khó khăn", Negi nói.
Mặc dù Trend Micro không xuất xưởng các sản phẩm vật chất - vì vậy họ không bị ảnh hưởng ngay lập tức về chuyện thuế quan mà Mỹ-Trung đang áp lên nhau – nhưng Negi đã chỉ ra rằng rốt cuộc công ty mình cũng sẽ cảm nhận được sự ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Cuối cùng, khách hàng của chúng tôi, nếu họ bị ảnh hưởng, thì sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nếu toàn bộ nền kinh tế bị chậm lại, thì đầu tư sẽ giảm, và dĩ nhiên điều đó cũng sẽ có tác động đến công ty ông.