MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu Samsung cũng học theo cách Xiaomi vừa làm, các ông lớn bán lẻ như Thế giới di dộng hay FPT Shop chắc chắn sẽ phải “méo mặt”

13-02-2017 - 13:37 PM | Doanh nghiệp

Vừa qua, Xiaomi vừa công bố một chính sách bán hàng mới: Thay vì bán online như trước, Xiaomi dự tính sẽ mở 1.000 cửa hàng bán offline trên cả nước.

Chiến lược tinh quái

Việc Xiaomi ở cửa hàng bán lẻ sau khi rất thành công trên lĩnh vực trực tuyến nghe có vẻ như một bước đi… ngược đời. Nó khiến người ta đặt câu hỏi khi trong thời đại công nghệ, tại sao một ông trùm như Xiaomi lại tính tới chuyện mở cửa hàng? Đặc biệt là khi, việc mở các cửa hàng bán lẻ sẽ tiêu tốn của Xiaomi rất nhiều tiền kéo theo áp lực tài chính rất lớn.

Lei Jun, CEO của Xiaomi thì lại tỏ ra hoàn toàn tỉnh táo. "Vấn đề lớn nhất của Xiaomi hiện nay đó là vượt qua trở ngại về mô hình kinh doanh. Thay vì bán online, mô hình mới phải là bán lẻ. Những cửa hàng bán lẻ có thể đóng góp tới 10 tỉ USD doanh thu cho Xiaomi", Lei chia sẻ.

Con số 10 tỉ USD này không đến từ việc bán smartphone, mà đến từ toàn bộ hệ sinh thái mang tên Mi Eco của Xiaomi. Mi Eco không chỉ bao gồm điện thoại mà đã bao gồm hàng trăm sản phẩm khác nhau trong danh mục như laptop, router, dây đeo hay thậm chí là cả... va li và máy hút bụi.

Với một số lượng hàng hóa như vậy, việc mở ra những cửa hàng (store) bán lẻ riêng của Xiaomi lại trở thành một lựa chọn phù hợp. Tại Trung Quốc, smartphone của Xiaomi đang bị Huawei và Oppo cạnh tranh khốc liệt và giảm doanh số, tuy nhiên, một store chỉ trưng bày các sản phẩm riêng của Xiaomi sẽ giúp doanh nghiệp này tăng doanh số lên tất cả các loại mặt hàng chứ không chỉ riêng điện thoại.

Một cách dễ hiểu, Xiaomi Store cũng giống như một siêu thị nội thất của IKEA – với đầy đủ các sản phẩm để khách hàng khi tìm đến kiểu gì cũng sẽ tìm được một món đồ ưng ý mà chẳng cần đi đâu khác. Khi khách hàng bước chân vào một cửa hàng của riêng Xiaomi, CEO Lei Jun cũng sẽ không phải lo lắng việc khách hàng quan tâm tới các thương hiệu đối thủ như trong một cửa hàng bán lẻ di động thông thường.

Không cần cạnh tranh trong cửa hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng, nhà phân phối và quảng cáo là những gì Xiaomi dự tính khi mở cửa hàng bán lẻ. Đổi lại, Xiaomi sẽ phải chấp nhận đầu tư lớn hơn so với việc bán hàng online.

Các thương hiệu bán lẻ lớn đều làm như vậy. Trên thực tế, ngay trong lĩnh vực công nghệ, bước đi của Xiaomi cũng không có gì mới, khi lặp lại chính xác những gì Apple đã từng làm. Đó là những cửa hàng Apple Store bày bán đầy đủ các sản phẩm của "quả táo": Từ điện thoại, laptop, máy tính bảng cho tới nhiều loại phụ kiện khác nhau.

Lei Jun đang lặp lại chính xác những bước đi mà Apple đã làm

Nếu Samsung cũng làm giống Xiaomi...

Trước khi tính tới việc cửa hàng bán lẻ, ngoài nguồn lực thì những năm qua Xiaomi đã phải chuẩn bị sẵn sàng hai yếu tố: Có dấu ấn thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và danh mục sản phẩm đủ nhiều để trải nghiệm.

Không có nhiều thương hiệu có thể đáp ứng cả 2 tiêu chí này. Trên thị trường hiện nay, có lẽ chỉ có 2 cái tên ngoài Xiaomi đáng nhắc tới đó là Apple (đã làm) và doanh nghiệp còn lại là Samsung. Với trường hợp của Samsung, hãng công nghệ Hàn Quốc này thừa sức để đạt chuẩn khi tên tuổi đã được khẳng định và danh mục sản phẩm thì thậm chí còn đa dạng hơn nhiều lần Xiaomi. Danh mục sản phẩm của Samsung trải dài từ hàng công nghệ cho tới điện máy, IoT, v.v…

Nếu Samsung cũng học theo Xiaomi và Apple, các ông lớn bán lẻ đồ công nghệ như Thế giới di động hay FPT Shop chắc chắn sẽ rất “đau đầu”. Khi các thương hiệu lớn cứ thi nhau rút dần ra và tự mở cửa hàng riêng như vậy, các chuỗi bán lẻ sẽ nhanh chóng rơi vào cảnh hàng hóa kém đa dạng. Khách hàng hẳn sẽ rất không hài lòng khi họ tìm đến những cửa hàng này với lựa chọn ngày càng hạn chế, chỉ còn loanh quanh vài thương hiệu như Oppo hay Huawei.

Mặc dù vậy, may mắn là dường như Samsung không ưa thích việc tự mở cửa hàng cho lắm. Chiến lược chung của doanh nghiệp Hàn Quốc tới nay vẫn là trung thành với việc trưng bày tại showroom và bán hàng thông qua các siêu thị bán lẻ. Thế nhưng, khó có thể dự báo trước tương lai sẽ như thế nào. OPPO, thương hiệu của Trung Quốc dù sản phẩm mới chỉ tập trung trọng yếu vào smartphone, gần đây cũng có những động thái cho thấy họ đang “rục rịch” cho việc mở hệ thống store riêng tại Ấn Độ.

Theo Neo

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên