Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ yêu cầu loại bỏ fluoride khỏi nước máy
Ông Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố Tổng thống Kennedy, hôm 3/11 tuyên bố, chính quyền ông Donald Trump sẽ yêu cầu loại bỏ fluoride khỏi nguồn cung cấp nước nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11.
- 03-11-2024Mỹ: Kiểm tra máy bỏ phiếu sau lỗi chọn ông Trump nhảy sang tên bà Harris
- 02-11-2024Bầu cử tổng thống Mỹ: Ông Trump đi vào nơi cực kỳ bất lợi với bà Harris
- 02-11-2024Lý do Ukraine không quá bất an với khả năng ông Trump đắc cử
Ông Kennedy đã lan truyền nhiều thuyết âm mưu không có căn cứ về các hóa chất trong nước máy và có khả năng sẽ phụ trách các vấn đề y tế trong chính quyền ông Donald Trump nếu ông Trump tái đắc cử.
Ngày 3/11, ông Kennedy viết trên mạng xã hội rằng, chính quyền ông Trump sẽ “khuyến nghị tất cả hệ thống nước công cộng của Mỹ loại bỏ fluoride khỏi nước máy”. Ông cho rằng fluoride liên quan đến nhiều vấn đề y tế.
Ông Kennedy gọi fluoride là “chất thải công nghiệp”. Dù fluoride có thể là sản phẩm phụ của một số ngành công nghiệp, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), fluoride cũng xuất hiện tự nhiên trong môi trường trong nước và đá.
“Vào ngày 20/1/2025, Nhà Trắng của ông Trump sẽ khuyến nghị tất cả hệ thống nước công cộng của Mỹ loại bỏ fluoride khỏi nước máy. Fluoride là chất thải công nghiệp liên quan đến viêm khớp, gãy xương, ung thư xương, giảm IQ, rối loạn phát triển thần kinh và bệnh tuyến giáp. Tổng thống @realDonaldTrump và Đệ nhất phu nhân @MELANIATRUMP muốn làm cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại”, ông Kennedy viết.
Chính quyền bang và địa phương kiểm soát hầu hết nguồn nước ở các thành phố trên toàn quốc. CDC khuyến nghị bổ sung fluoride vào nước sinh hoạt như một phương pháp hiệu quả cao với chi phí thấp để cải thiện sức khỏe răng miệng của cư dân. Tiếp xúc với lượng fluoride cao hơn mức khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng trong thời gian dài có thể dẫn đến fluorosis xương, một tình trạng gây yếu xương và đau khớp.
Một đánh giá liên bang được công bố vào tháng 8 bởi chương trình độc chất học của Viện Y tế Quốc gia kết luận rằng, mức fluoride cao hơn có liên quan đến việc giảm IQ ở trẻ em. Chương trình này đã dựa trên các nghiên cứu về mức fluoride gấp khoảng hai lần giới hạn khuyến nghị cho nước uống.
“Trong khi Tổng thống Trump đã nhận được nhiều ý tưởng chính sách khác nhau, ông đang tập trung vào cuộc bầu cử vào thứ Ba”, cố vấn cấp cao của chiến dịch Trump, Danielle Alvarez, nói với CNN để phản hồi bài đăng của ông Kennedy.
Ông Trump tự gọi mình là “cha đẻ của thụ tinh nhân tạo”
Ngày 3/11, cựu Tổng thống Donald Trump tự gọi mình là “cha đẻ của thụ tinh nhân tạo” khi nói về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Greensboro, bang Bắc Carolina.
Trong lúc giải thích rằng, đối thủ Kamala Harris đã miêu tả ông không ủng hộ IVF, ứng viên Trump nói: “Tôi tự coi mình là cha đẻ của thụ tinh nhân tạo ”.
Ông Trump tiếp tục nói tốt về việc ông ủng hộ phương pháp này và kêu gọi hành động sau phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Tối cao Alabama, khi cho rằng các phôi thai đông lạnh là trẻ em và những người phá hủy chúng có thể bị truy cứu trách nhiệm vì tội giết người oan sai.
Ông Trump đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này và trước đây từng tự nhận mình là “cha đẻ của IVF,” một phương pháp điều trị vô sinh đang gặp đe dọa sau quyết định của Tòa án Tối cao Alabama vào năm 2022 về việc lật ngược vụ án Roe kiện Wade.
Ông Trump thường xuyên nói tốt về vai trò của mình trong việc bổ nhiệm các thẩm phán Tối cao bảo thủ đã bỏ phiếu để lật ngược phán quyết Roe kiện Wade.
Phán quyết về phá thai
Phán quyết Roe kiện Wade là một quyết định quan trọng của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1973, trong đó tòa án phán quyết rằng Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của phụ nữ trong việc lựa chọn phá thai mà không gặp phải sự can thiệp quá mức của chính phủ. Vụ kiện bắt đầu khi “Jane Roe” (một bí danh để bảo vệ danh tính của Norma McCorvey) khởi kiện Henry Wade - công tố viên của hạt Dallas, Texas, để phản đối luật của bang Texas cấm phá thai ngoại trừ khi tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm.
Tòa án Tối cao, với tỷ lệ 7-2, đã đưa ra quyết định rằng quyền riêng tư cá nhân, được Hiến pháp Mỹ bảo vệ qua Tu chính án thứ 14, bao gồm quyền tự do trong việc quyết định phá thai. Phán quyết này đã thiết lập một khung pháp lý, theo đó quyền phá thai của phụ nữ được bảo vệ trong suốt hai kỳ 3 tháng đầu của thai kỳ và cho phép các bang có thể đặt ra quy định ở kỳ 3 tháng thứ ba, khi bào thai có thể sống sót bên ngoài tử cung.
Tuy nhiên, vào năm 2022, Tòa án Tối cao đã lật lại phán quyết này trong một vụ kiện, cho phép các bang tự quyết định luật pháp về phá thai. Quyết định này đã tạo ra nhiều tranh cãi và gây ra sự phân chia lớn trong dư luận và chính trị Mỹ, vì nó đồng nghĩa với việc các bang có thể ban hành những quy định hạn chế hoặc cấm phá thai.
Tiền Phong