New York Times: Mảnh giấy “Hướng dẫn sang đường” và trải nghiệm giao thông kinh hoàng của khách quốc tế ở Việt Nam
Một khách du lịch vừa check in tại khách sạn Meracus - phố cổ Hà Nội, được nhân viên lễ tân đưa ra một tờ hướng dẫn có tên “Hướng dẫn sang đường”.
- 01-03-2019Cấm xe máy vào nội đô TP.HCM năm 2030: Cần phải điều tra xã hội học
- 24-02-2019Chuyên gia quan ngại việc TPHCM cấm xe máy từ 2030
"Hãy thật thoải mái và tự tin.
Phải nhìn cả hai chiều xe chạy, giao tiếp bằng mắt với các lái xe.
Đi chậm nhưng dứt khoát.
Và đừng bao giờ lùi bước".
Trong khi du khách đến London trò chuyện với nhau về thời tiết, khách du lịch ở Paris tranh luận về việc lựa chọn nhà hàng, thì đến du lịch ở thủ đô của Việt Nam, người ta thích thảo luận về cách băng qua đường.
Hà Nội đã từng yên tĩnh, với những đại lộ rợp bóng cây, nhưng mọi chuyện giờ đã thay đổi. Khách du lịch, tất nhiên họ không đến Hà Nội chỉ để thu mình trong phòng khách sạn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp họ bên vệ đường muôn vàn biểu cảm: đứng hình, sững sờ, hoang mang và thậm chí là bàng hoàng.
"Ngày đầu tiên, chúng tôi gần như rơi vào trạng thái khủng hoảng", bà Christelle Rouchaville, một du khách đến từ Pháp, người đã cùng chồng dồn hết can đảm để đẩy một chiếc xe nôi qua đường vào giờ cao điểm. "Biết làm thế nào được, thì cũng phải cắm mặt mà qua thôi" – bà nói.
Bà Rouchaville "giới thiệu" giao thông Việt Nam với những du khách đi bộ khác: "Hãy tưởng tượng bạn đang trượt tuyết. Xe máy ở đây kiểu như đang trượt trên phố ấy" - bà nói- "Có lẽ việc bạn có thể làm chỉ là "thả trôi" mình vào dòng xe này thôi".
Bob Greer là một công dân Úc. Ông cùng vợ sang Việt Nam trong một chương trình thiện nguyện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. "Hãy cầu Chúa hoặc bất cứ vị thần linh nào cũng được", ông vừa nói vừa băng qua một con đường nhỏ với dáng vẻ của một người lính – "Đừng hoảng sợ, ngay cả khi đầu gối của bạn đang run rẩy".
Hà Nội không phải là thành phố duy nhất trên thế giới có vấn đề về giao thông. Nhưng khi hàng ngàn chiếc xe máy chen chúc trên những con đường quanh co và những con hẻm chật hẹp, thì khách du lịch cảm thấy đây là một cuộc chiến sinh tử thực sự.
Các chuyên gia "sang đường" – chính là cư dân Hà Nội, đưa ra rất nhiều lời khuyên cho du khách. Nguyễn Tuấn Minh, một học sinh cấp ba, đã "khuyến nghị" sử dụng "hàng rào sống" để che chắn.
Tức là sao? Hãy tụ tập thành một đoàn người đủ đông, và sang đường trong khi bạn cùng những người đi bộ khác vây quanh. "Chuyên gia" này không đồng tình với lời khuyên của Khách sạn Meracus: "Làm sao mà giao tiếp bằng mắt với tài xế khi mà toàn xe máy phi ầm ầm được! Nếu họ nhìn thấy bạn, họ sẽ tránh thôi. Đi dứt khoát vào là được!".
Nhiều người dân Hà Nội phàn nàn rằng ô nhiễm tiếng ồn từ giao thông làm họ đau đầu kinh niên, đặc biệt là tiếng còi xe, gần như không ngừng nghỉ. Phạm Công Thịnh – nhân viên khách sạn Metropole, mường tượng lại cái thời còn đạp xe đi làm trước trên những con đường yên tĩnh, cách đây chừng hai thập kỷ.
"Hồi đó Hà Nội dễ sống mà yên bình lắm" – ông Thịnh nói – "Giờ thì ai cũng căng thẳng. Ai cũng muốn lên Hà Nội kiếm sống".
Khu phố cổ của Hà Nội mang trong mình sự pha trộn của kiến trúc thuộc địa Pháp và những nét truyền thống của thành Thăng Long. Ở phố cổ, ngày nào cũng là ngày lễ với các hàng quán vỉa hè. Hà Nội không phải không có vỉa hè tử tế, nhưng ở nhiều khu vực, chúng đã bị biến thành bãi đỗ xe máy khổng lồ, buộc người đi bộ phải tràn xuống lòng đường.
Bà Nguyễn Thị Xoa - chủ một đại lý du lịch ở khu phố cổ chia sẻ: "Đôi khi khách du lịch bị giật mình nên họ cứ lùi lại rất đột ngột. Tôi luôn nói với mọi người, hãy cứ đi thật tự tin và đi thật chậm. Đừng chạy, nhưng cũng đừng do dự. Phải đi làm sao mà người chạy xe họ đoán được mình đi tiếp hay dừng ấy, chứ cứ chần chừ là nguy hiểm lắm".
Trên thực tế là trong "cẩm nang lái xe" để thi bằng lái yêu cầu xe máy phải nhường đường cho người đi bộ. Trong thực tế, các vạch kẻ sang đường hình như chỉ để trang trí. Các quy tắc giao thông được người chạy xe, và kể cả người đi bộ bỏ qua mà không hề phân vân.
Chắc chỉ có ở Hà Nội thì người ta mới phải nhìn cả hai chiều xe chạy để sang đường, ngay cả khi đi đường một chiều.
"Ở nước ngoài khi có đèn đỏ thì mọi người dừng lại", ông Thịnh nói. "Ở đây, không có công an thì kiểu gì cũng có người vượt".
Ông Thịnh giúp đỡ những vị khách nước ngoài của mình bằng cách hướng dẫn họ qua đường rất chi tiết: "Chỉ cho họ là họ đi được ngay, chả ai bị sao cả", ông nói.
Khác với các nước phương Tây, nơi xe máy và xe ga hầu như chỉ là thú chơi giải trí, ở Việt Nam, chúng là phương thức vận chuyển chính của người dân. Xe máy cũng thường chở hàng hóa cồng kềnh, làm tăng thêm sự hỗn loạn của đường phố. Người đi xe máy đôi khi chở cả một chiếc TV màn hình phẳng, vài thùng bia, thậm chí là cả một bao phế liệu lớn.
Dù vậy, lượng khách du lịch khổng lồ ở khu phố cổ Hà Nội vẫn nói rằng họ nhất định sẽ quay lại đây - cho thấy những thách thức giao thông không lấn át được sự thú vị của thành phố này. Một số vị khách thậm chí còn coi đây là "trải nghiệm thú vị".