MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

New York Times: Mặt hàng xuất khẩu mang về lợi nhuận cao nhất cho nước Mỹ là gì?

Không phải là dầu mỏ hay thuốc, cũng không phải phim Hollywood và càng chẳng phải Boeing. Đó là một tờ giấy, màu xanh lá cây với hình Benjamin Franklin ở mặt trước.

Năm ngoái, Hoa Kỳ đã xuất khẩu 65,3 tỷ USD tiền tệ - chủ yếu là đồng 100 USD.

Thế giới vẫn luôn cần một đồng tiền quốc tế. Rõ ràng, đồng USD luôn là ứng cử viên hàng đầu. Bởi Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu trên mọi khía cạnh. Cho chính phủ Hoa Kỳ vay tiền chính là cách thức đầu tư phổ biến nhất thế giới, chẳng thế mà Trung Quốc lại thích cho Mỹ vay đến vậy.

Dầu mỏ là sản phẩm thương mại quan trọng nhất toàn cầu. Nó cũng được định giá và bán bằng USD.

Cũng giống như việc bạn dùng Facebook. Tại sao không phải một mạng xã hội nào khác? Vì tất cả mọi người đều dùng Facebook mà, nếu tôi dùng mạng khác thì đâu có liên lạc được với họ. Đồng USD cũng thế. Tất cả mọi người đều trao đổi bằng USD, nếu anh không sử dụng USD thì anh chẳng trao đổi được với ai.

Thật ra, bản thân người Mỹ chính là những người ít hứng thú với đồng USD nhất. Hầu hết tài sản của họ đều được gửi vào ngân hàng; thanh toán hầu như đều thông qua thẻ.

Tuy nhiên, cầu nước ngoài đối với đồng USD chưa bao giờ suy. Số lượng đồng 100 USD đang lưu hành đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2008. Các chuyên gia ước tính, phần lớn USD nằm trong tay nước ngoài, chứ không phải Mỹ.

Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ báo cáo: tính đến cuối năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng đồng 100 USD đã vượt quá số lượng đồng 1 USD.

Bằng chứng sẵn có cho thấy, số lượng lớn đồng 100 USD cất giữ trong dân, chứ không phải chính phủ - đặc biệt là ở các quốc gia mà người dân thiếu niềm tin vào đồng nội tệ. Họ cũng không mấy tin tưởng hệ thống tài chính và sự an toàn của tài sản cá nhân. Đồng USD được tích trữ giống như vàng và kim cương. Nhưng cái mà USD vượt trội hơn là, nó dễ tiêu hơn.

New York Times: Mặt hàng xuất khẩu mang về lợi nhuận cao nhất cho nước Mỹ là gì?  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất ở đây, chính là việc sử dụng USD để giao dịch phi pháp.

Nhà kinh tế học Barry Eichengreen từng ra một cuốn sách về tiểu sử đồng USD. Ông cho biết: Đồng 100 USD là loại tiền tệ ưa thích của các giao dịch bất hợp pháp: cờ bạc, ma túy, bán vũ khí. Ông cũng lưu ý rằng: "Bạn cứ để ý mà xem, nhân vật phản diện trong phim lúc nào mà chẳng chọn thanh toán bằng USD".

Rõ ràng, tiền mệnh giá lớn sẽ phù hợp để bạn cất vào vali hơn, chắc bạn không định chuyển khoản để mua ma túy đấy chứ?

Tờ 200 EUR (Euro), tất nhiên đáng gia hơn 100 USD nhiều. Nhưng tại sao nó vẫn thua? Vì nó không phổ biến bằng USD. Tội phạm muốn USD, họ không cần EUR.

Tuy nhiên, USD sẽ phải dè chừng đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc – đất nước có nền kinh tế được dự báo sẽ sớm vượt Hoa Kỳ.

New York Times: Mặt hàng xuất khẩu mang về lợi nhuận cao nhất cho nước Mỹ là gì?  - Ảnh 2.

Một số chuyên gia từng nói, rồi USD sẽ có ngày tàn. Nhưng họ đã đưa ra lời tiên tri đó cách đây nửa thế kỷ, mà ta vẫn chưa thấy ngày tận thế của USD đến.

Trong khi đó, các máy in tiền ở Washington và Fort Worth vẫn tiếp tục chạy hết công suất và để phân phối USD.

In tiền, sau tất cả, vẫn mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Mỹ. Xếp hạng theo giá trị sản phẩm, đồng USD đứng thứ hai trong danh sách các sản phẩm xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ, chỉ sau xăng dầu tinh chế. Nhưng bạn biết đấy, in tiền rõ là rẻ hơn tinh chế dầu rồi. Chỉ mất 14 xu để in một tờ, và thêm một vài xu để gửi ra nước ngoài.

Bán một tờ 100 USD đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ được vay 100 USD - không lãi suất. Tính đến cuối năm 2018, các quốc gia khác trên thế giới nắm giữ 773,9 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, đó cũng là một con dao hai lưỡi. Bằng cách thúc đẩy giá trị trao đổi của đồng USD, người Mỹ mua hàng hóa và dịch vụ nước ngoài với giá rẻ hơn. Nhưng lại cản trở xuất khẩu của chính Hoa Kỳ - đó chính là nỗi lo của Trump, ông cho rằng USD đang mạnh quá mức cần thiết.

Thái Trang

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên