MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga nói "gần 160 nước muốn dùng hệ thống thanh toán mới của BRICS": Vì sao?

22-08-2024 - 19:50 PM | Tài chính quốc tế

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới muốn dùng hệ thống thanh toán mới của BRICS. Việc này có thể tác động lớn đến thị trường toàn cầu.

Theo trang Modern Diplomacy, đồng tiền chung BRICS và hệ thống thanh toán mới thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhiều khả năng sẽ được đưa ra ở trong hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 sắp tới tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Nga.

Hệ thống thanh toán mới này sẽ đóng vai trò chính trong những giao dịch thương mại của BRICS và cho phép thực hiện thanh toán mà không cần dùng đồng USD.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, hiện nay có 159 quốc gia muốn áp dụng hệ thống thanh toán này. Kỳ vọng được ra mắt vào tháng 10/2024, hệ thống này của BRICS có thể có tác động lớn tới thị trường toàn cầu.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, hệ thống thanh toán này là một giải pháp thay thế cho SWIFT. "Cơ sở hạ tầng tương tự tồn tại ở một số nước khác. Chúng tôi hiện đang thảo luận về sự tương tác của những nền tảng như vậy. Tuy nhiên, sự quan tâm và sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật của những đối tác của chúng tôi là rất quan trọng", bà Elvira Nabiullina chia sẻ.

Nga nói

Hệ thống thanh toán mới giúp các thành viên của BRICS thực hiện thanh toán các giao dịch thương mại mà không cần dùng đồng USD. Ảnh: Xinhua

Những nỗ lực tích cực đang được tiến hành nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán tài chính giúp hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS dễ dàng hơn, đồng thời duy trì được những trao đổi về kinh tế và thương mại có chủ quyền của họ. Theo bà Elvira Nabiullina, vấn đề này đứng đầu trong chương trình nghị sự, bởi vì mọi thành viên của BRICS đều coi đó là vấn đề quan trọng.

Theo các chuyên gia, việc ra mắt hệ thống thanh toán riêng này có thể mở cánh cửa cho những giao dịch thương mại mở rộng cho liên minh. Mặt khác, với rất nhiều quốc gia đang tìm kiếm tư cách thành viên của BRICS, họ có thể lựa chọn áp dụng hệ thống này khi nó được ra mắt.

Trong mấy năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, các quốc gia thành viên của BRICS đã cam kết tăng cường nỗ lực để phi USD hóa. Hơn nữa, tác động từ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây càng trở thành sự thúc đẩy đối với đồng nội tệ và những phương thức thanh toán thay thế.

Nga nói

Các nhà lãnh đạo thành viên ban đầu của BRICS tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters

Ban đầu, BRICS có 5 thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Sau đó, nhóm các nền kinh tế mới nổi này đã mở rộng một cách nhanh chóng. Vào đầu năm 2024, nhiều quốc gia như Ai Cập, Iran, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gia nhập BRICS.

Theo CNA, nền kinh tế của các thành viên trong BRICS có giá trị hơn 28,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 28% nền kinh tế trên toàn cầu.

Một quốc gia Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS

Nga nói

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Pardafas

Trên thực tế, có một số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á cũng quan tâm tới việc muốn gia nhập BRICS, tiêu biểu là Malaysia

Theo Nikkei Asia, quốc gia này vừa nộp đơn gia nhập BRICS vào tháng 6 năm 2024. Ông Fikry A. Rahman, người đứng đầu bộ phận đối ngoại ở Viện nghiên cứu Bait Al-Amanah của Malaysia, cho biết đơn xin gia nhập vào BRICS đã nêu bật chiến lược về đa dạng hóa đa cực của Malaysia bằng cách thu hút nhiều đối tác có cùng chí hướng hơn, đồng thời đa dạng hóa về quan hệ hợp tác và hướng tới mục tiêu phi USD hóa quan hệ thương mại. Điều này có lợi về mặt chiến lược cho đất nước.

Theo tờ The Star đưa tin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hiện đang có chuyến thăm New Delhi (Ấn Độ) để thảo luận về quan hệ song phương cũng như tìm kiếm sự ủng hộ cho đơn xin gia nhập vào BRICS của nước này.

Theo CNA, TS Alan Chong, Nghiên cứu viên cao cấp ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, mô tả rằng, BRICS là "một vòng tròn lãnh đạo thay thế khi nói đến vấn đề quản trị toàn cầu".

Về mối quan tâm của Malaysia khi gia nhập BRICS, TS Alan Chong nhận định, đây có thể là một cách nhằm nâng cao chính sách đối ngoại của quốc gia này theo một cách rất đặc biệt.

Bài tham khảo nguồn: Watcher.guru, CNA, Modern Diplomacy


Theo Minh Hằng

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên