Nga, OPEC và phương Tây muốn gì trong ‘trật tự mới’ của thị trường dầu mỏ toàn cầu?
Mục đích của mỗi bên khác nhau, nhưng lại có những điểm liên quan đang tạo ra một thế cục rất đặc biệt trên thị trường dầu mỏ.
- 15-04-2023Giá dầu tăng sau cú 'đánh úp' của OPEC+, Nga cười thầm vì thu về doanh thu khủng
- 06-04-2023Những quốc gia nào sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu giá dầu đạt 100 USD/thùng sau 'cú đánh úp' của OPEC+: Mỹ hay những 'bạn hàng thân thiện' của Nga?
- 05-04-2023OPEC+ cắt giảm sản lượng, dầu thô của quốc gia này ngày càng đắt khách, châu Âu và châu Á tranh giành để nhập khẩu
- 03-04-2023OPEC+ 'đánh úp' cắt giảm triệu thùng dầu/ngày, quốc gia này cuống cuồng tìm nguồn cung mới để giải cơn 'khát' dầu
Cảnh báo gần đây của Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Haitham Al Ghais, rằng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nên “rất cẩn thận về việc làm suy yếu thêm” các khoản đầu tư vào ngành dầu mỏ đang làm căng thẳng thêm một “cuộc chiến” giữa 2 thế lực lớn: những người mua dầu liên minh với Mỹ và những người bán dầu trong nhóm OPEC.
Nhận xét của ông Al Ghais là đúng – quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu xanh cần phải được quản lý cẩn thận để không làm gián đoạn nguồn cung cấp toàn cầu và điều này đỏi hỏi phải đầu tư. Tuy nhiên, hàm ý đằng sau nhận xét này rằng giá dầu Brent phải được định giá trên 80 USD/thùng thì rõ ràng là có vấn đề.
Tại nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thuộc OPEC như Saudi Arabia, Iraq hay Iran – “chi phí nâng” (giá đưa 1 thùng dầu từ lòng đất lên, không gồm chi phí đầu tư) chỉ là 1-2 USD. Ngay cả khi thêm chi phí vốn thực tế thì phí khai thác mỗi thùng dầu chỉ là 6-8 USD. Ở một số quốc gia khác, chi phí có thể cao hơn nhưng không nhiều.
Số tiền chênh lệch giữa chi phí khai thác và mức giá bán 80 USD/thùng phần lớn được đưa vào ngân sách các chính phủ, nhưng không dành cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng để duy trì nguồn cung trong tương lai mà đầu tư vào các lĩnh vực khác, không liên quan đến năng lượng.
Chẳng hạn tại Saudi Arabia, một khoản tiền khổng lồ chảy vào công ty dầu mỏ hàng đầu của họ là Saudi Aramco nhiều năm qua được sử dụng để tài trợ cho hàng loạt dự án được cho là phù phiếm và các dự án xã hội. Điều này, cùng một số yếu tố khác, là lý do họ không thể tìm được một sàn giao dịch chứng khoán quốc tế uy tín để IPO .
Tất nhiên, Saudi Arabia có lý do để sử dụng nguồn doanh thu từ dầu mỏ cho các dự án khác nhưng đưa các dự án này vào làm lý do để duy trì giá dầu trên 80 USD/thùng lại là 2 vấn đề riêng biệt.
Ở bên kia “chiến tuyến” của thị trường dầu là Mỹ và các đồng minh kinh tế cũng như an ninh năng lượng tại châu Âu và châu Á.
Đối với các quốc gia nhập khẩu ròng dầu và khí đốt, mức giá dầu Brent duy trì trên 80 USD/thùng và giá khí đốt cao đồng nghĩa lạm phát sẽ tiếp tục tăng, trong thời gian dài hơn, khiến lãi suất cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Tại Mỹ, theo ước tính giá dầu cứ tăng 10 USD/thùng sẽ khiến giá 1 gallon xăng tăng 25-30 cent. Mỗi gallon xăng tăng 1 cent sẽ khiến 1 tỷ USD trong chi tiêu của người dùng bị thất thoát và nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Chưa kể đến yếu tố chính trị, Mỹ từ lâu phải tìm cách thực thi nghiêm ngặt 1 phạm vi chuẩn cho giá dầu thô ở mức sàn là 40-45 USD/thùng (để các nhà sản xuất dầu đá phiến của họ có thể thu lãi kha khá) đến mức trần là 75-80 USD/thùng. Vượt quá mức này, nền kinh tế sẽ bị đe doạ.
Thời điểm năm 2018 khi Saudi Arabia (dưới sự giúp đỡ của Nga) đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng, cựu Tổng thống Donald Trump đã gửi một lời cảnh báo rõ ràng tới Riyadh, yêu cầu ngừng thực thi điều này. “OPEC và các quốc gia OPEC đang bóc lột phần còn lại của thế giới. Tôi không thích điều đó. Không ai nên thích điều đó”, ông Trump nói. “Chúng tôi muốn họ ngừng tăng giá”, ông nói thêm.
Với Nga, phần “+” quan trọng trong “OPEC+”, thì sao? Trong nhiều năm, mức giá được xem là “hoà vốn” của Nga cho mỗi thùng dầu Brent là 40 USD/thùng. Đây là mức tương đương với mức mà các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể kiếm được một khoản kha khá.
Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Giá hoà vốn tài chính đối với Nga là khoảng 115 USD/thùng (với dầu Brent). Sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra nhiều lệnh cấm và áp trần giá đối với các sản phẩm gốc hydrocarbon của nước này, trong đó trọng điểm là áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
Với những yếu tố này, chiến lược của Nga rất đơn giản nhưng hiệu quả: thuyết phục Saudi Arabia (nhà lãnh đạo thực tế của OPEC) tăng giá dầu của OPEC càng nhiều càng tốt trong khi vấn đồng thời bán dầu của họ với giá chiết khấu.
Có rất nhiều khách hàng sẵn sàng mua dầu giảm giá của Nga, dù nó ở mức giới hạn 60 USD/thùng hoặc cao hơn khi giá dầu Brent hiện rất cao. Trung Quốc, Ấn Độ là những khách hàng tiêu biểu. Giá dầu OPEC càng cao, dầu giảm giá của Nga càng hấp dẫn.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không quan tâm đến lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ với Nga và rất vui khi mua được dầu giá rẻ của Nga. Điều thú vị là Mỹ dường như không quá bận tâm với những giao dịch này bởi nó có tác động tốt trong việc giảm giá dầu nói chung trên thị trường toàn cầu.
Trong bài toán này, Nga được xem là thành công khi đạt được mục đích của mình. Hãy nhìn vào thị trường Ấn Độ để thấy điều này. Theo số liệu mới nhất, các thành viên OPEC đã chứng kiến thị phần dầu mỏ tại Ấn Độ giảm xuống 59% trong năm tài chính đến tháng 3/2023, từ mức khoảng 72% trong các năm 2021/2022. Nga cũng lần đầu tiên vượt qua Iraq để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ, đẩy Saudi Arabia xuống vị trí thứ 3.
Nhịp sống thị trường