Nga thu gần 19 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 9
Nga được xem là đang thành công với việc chuyển hướng dòng dầu mỏ xuất khẩu sang các thị trường khác sau khi bị phương Tây áp trần giá.
- 17-10-2023Nhờ Nga và OPEC+, dầu thô đang trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này, chiếm lĩnh thị trường với gần 4 triệu thùng mỗi ngày
- 16-10-2023Nga xuất sang Việt Nam mặt hàng rẻ chưa từng có: Cơn sốt lan rộng châu Á, Trung Quốc cũng phải tìm đến Moscow
- 16-10-2023Lộ diện ông trùm điều hướng dòng chảy dầu Nga toàn cầu: "Khắc tinh" của cấm vận phương Tây
- 14-10-2023Nắm giữ một “vũ khí" tối thượng, dầu Nga âm thầm lách trừng phạt thu về bộn tiền, châu Âu thêm “đau đầu” trong cấm vận
OPEC+ thành công với chiến lược cắt giảm sản lượng
Dù đi xuống trong phiên đêm 16/10, nhưng giá dầu thế giới vẫn đang ở sát ngưỡng 90 USD/thùng, gần mốc cao nhất trong vòng 1 năm sau những biến động gần đây liên quan đến xung đột tại Trung Đông. Những diễn biến của giá dầu đang giúp nhiều nhà xuất khẩu lớn được hưởng lợi, bao gồm cả Nga - nước chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo thống kê mới từ cơ quan năng lượng quốc tế IEA, Nga đã thu về gần 19 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 9, tăng hơn 10% so với tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, nhờ sự đi lên cả về giá và khối lượng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân chính là chiến lược cắt giảm sản lượng mà nhóm OPEC+ đã duy trì thành công trong suốt 1 năm qua, trong đó Nga và Saudi Arabia - hai nước dẫn đầu của khối cũng là những nước đi đầu thực hiện.
Hồi đầu tháng, hai ông lớn xuất khẩu này đồng loạt thông báo sẽ tiếp tục duy trì mức cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới cuối năm nay, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày, bên cạnh mức cắt giảm chung của khối. OPEC+ cũng giữ nguyên các dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cao trong năm nay và năm tới.
Giá dầu thế giới vẫn đang ở sát ngưỡng 90 USD/thùng. Ảnh minh họa.
Trong Diễn đàn "Tuần lễ năng lượng Nga" hồi tuần trước, Nga và Saudi Arabia đều nhấn mạnh vào việc duy trì các chính sách hiện nay để ổn định thị trường dầu.
Ông Abulaziz Bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết: "Điều tạo ra khác biệt của chúng tôi, đó là chúng tôi luôn chủ động và đưa ra các biện pháp ứng phó trước với biến động của thị trường. Nguyên tắc cơ bản của chúng tôi là sự ổn định và tính bền vững".
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: "Chúng tôi không thể đưa ra các con số cụ thể về mục tiêu giá cả trên thị trường, mà là đảm bảo sự cân bằng trong dài hạn cũng như hiểu được xu hướng đang diễn ra. Chúng tôi hành động tập thể để đảm bảo mục tiêu này".
Nga đẩy mạnh công nghệ để tăng sản lượng khí hóa lỏng LNG
Bên cạnh hành động chung của OPEC+, Nga cũng được xem là đang thành công với việc chuyển hướng dòng dầu mỏ xuất khẩu sang các thị trường khác sau khi bị phương Tây áp trần giá.
Tính tới tháng 7 khi giá dầu Nga bắt đầu vượt giá trần, cước vận chuyển dầu từ các cảng của Nga sang châu Á đã giảm mạnh tới gần một nửa so với thời điểm đầu năm, cho thấy nguồn cung vận tải tăng cao, nhờ việc các nhà buôn thu gom tàu cũ và đăng ký tại những nước không áp đặt giá trần.
Nhu cầu cao từ châu Á cũng giúp Nga giảm gần 3 lần mức chiết khấu giá so với dầu Brent kể từ đầu năm nay. Không chỉ với thị trường dầu, Nga cũng đang nỗ lực chuyển hướng dòng chảy khí đốt trong bối cảnh xuất khẩu khí đốt qua đường ống tới khách hàng châu Âu giảm mạnh kể từ năm ngoái.
Nước này đang tích cực phát triển công nghệ, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu của Tổng thống Putin, tăng gấp 3 lần sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong vòng 10 năm tới.
Một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng trên đảo Sakhalin, Nga (Ảnh: Reuters).
Báo chí Nga ghi nhận, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu giảm kỷ lục kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc phát triển hơn nữa ngành khí hoá lỏng LNG là cực kỳ quan trọng để Nga duy trì vị thế của mình trên thị trường năng lượng thế giới.
Theo Cơ quan thống kê liên bang Rosstat, sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga năm 2022 là tăng 32,5 triệu tấn. Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, để đạt được mục tiêu sản xuất 100 triệu tấn LNG mỗi năm, Nga cần nền tảng tài nguyên và công nghệ.
Theo Rossiyskaya Gazeta, hiện ở Nga có 2 nhà máy sản xuất LNG quy mô lớn đang hoạt động là Yamal LNG của Novatek với công suất thiết kế 17,4 triệu tấn/năm và dự án ở Viễn Đông của Gazprom "Sakhalin-2" có công suất lên tới 11 triệu tấn.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexey Grivach cho biết, mục tiêu 100 triệu tấn LNG mỗi năm đã hấp thụ tất cả các kế hoạch hiện có của các công ty thương mại nhằm tạo ra các cơ sở sản xuất mới.
Dự án đầu tiên trong số này đã được triển khai - xây dựng nhà máy LNG-2 ở Bắc Cực với công suất 19,8 triệu tấn mỗi năm. Tuyến thứ hai của Bắc Cực LNG-2 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12 năm 2024. Đến năm 2030, tất cả các dự án của công ty sẽ sản xuất 65 - 66 triệu tấn LNG/năm.
Theo Vedomosti, vào tháng 6 năm nay nhà sản xuất và xuất khẩu LNG hàng đầu tại Nga là Novatek đã phát triển công nghệ hoá lỏng khí đốt tự nhiên quy mô lớn của riêng mình, được gọi là Arctic Mix. Công nghệ này được phát triển để thực hiện các dự án quy mô lớn với công suất mỗi dây chuyền sản xuất hơn 6 triệu tấn LNG mỗi năm.
Trước đó, Novatek đã có công nghệ hoá lỏng riêng sử dụng khí hậu Bắc Cực là Arctic Cascade, được nhận bằng sáng chế vào năm 2018. Hiện công nghệ này được triển khai trên dây chuyền thứ 4 của dự án Yamal LNG, với công suất 950.000 tấn mỗi năm.
Với nền tảng tài nguyên sẵn có, việc tăng tốc phát triển công nghệ LNG là ưu tiên tuyệt đối của ngành công nghiệp năng lượng Nga lúc này. Đây được xem là biểu tượng của việc đầu tư nghiên cứu và phát triển đi cùng với mục tiêu tiến tới độc lập với công nghệ nước ngoài.
Sản lượng dầu khí Mỹ tăng kỷ lục
Trong khi Nga và OPEC+ đang có nhiều bước tiến trong việc thay đổi dòng chảy năng lượng, một xu thế đáng chú ý khác là nước Mỹ cũng đang âm thầm quay trở lại đường đua xuất khẩu dầu lửa trong giai đoạn cuối năm 2023 này.
Số liệu hồi tuần trước của Bộ Năng lượng Mỹ ghi nhận sản lượng dầu nội địa của nước này đã chạm mốc hơn 13 triệu thùng, cao kỷ lục từ trước đến nay cho thấy ngành dầu thô Mỹ đã phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, chủ yếu nhờ giá dầu tăng cao và chi phí khai thác tại bang Texas giảm.
Mỹ cũng dự báo sẽ đạt mức kỷ lục về khai thác và nhu cầu khí đốt tự nhiên trong năm nay, giúp duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường LNG toàn cầu trong thời gian tới.
VTV