Nga vừa rút quân, Armenia hỗn loạn: 30.000 người vây ép Thủ tướng chống Nga từ chức
Làn sóng giận dữ đang bao trùm Yerevan. Người biểu tình vây chặt các tòa nhà chính phủ đòi Thủ tướng Pashinyan từ chức. Cảnh sát đặc nhiệm đã được điều động để chặn đám đông.
30.000 người biểu tình chống lại Thủ tướng Pashinyan
Hãng thông tấn AFP ngày 14/5 đưa tin, Armenia đã bắt giữ hàng chục người tại thủ đô Yerevan sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối quyết định mới đây của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Cảnh sát cho biết, trong ngày 14/5, họ đã bắt giữ 63 người tìm cách phong tỏa các con đường ở Yerevan, và chỉ 1 ngày trước đó (13/5), khoảng 150 người đã bị tạm giữ trong thời gian ngắn.
Số lượng người tham gia biểu tình lên tới hàng nghìn người, thậm chí đỉnh điểm là 30.000 người (theo thống kê của tổ chức giám sát Osservatorio Balcani e Caucaso Transeuropa, trụ sở tại Italy).
Làn sóng giận dữ đang bao trùm Yerevan. Những người biểu tình tập trung tại Quảng trường trung tâm Sakharov, vây chặt các tòa nhà chính phủ. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã được huy động để ngăn chặn việc người biểu tình phong tỏa các tuyến đường phố xung quanh.
Các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi các vị trí dọc biên giới Armenia với Azerbaijan và Thủ tướng Pashinyan quyết định bàn giao lại một số ngôi làng biên giới cho Azerbaijan. Đảng đối lập trong Quốc hội Armenia cho biết, họ sẽ bắt đầu các thủ tục luận tội ông Pashinyan.
Armenia và Azerbaijan đã trải qua 2 cuộc chiến kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Quyết định trả lại các ngôi làng cho đối thủ lâu năm được Armenia đưa ra sau khi Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh hồi tháng 9 năm ngoái, khiến hơn 100.000 người dân tộc Armenia phải di tản.
Ông Pashinyan cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga [vốn được triển khai tới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ năm 2020] đã tự động rời vị trí của họ khi quân Azerbaijan phát động tấn công.
Theo AFP, Armeina - trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Pashinyan (bắt đầu từ năm 2018) - đã luôn tìm cách thoát lệ thuộc an ninh vào Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây.
Ông Pashinyan đã đưa ra nhiều quyết sách khiến Moscow bất bình, và nhiều lần chỉ trích chính quyền ông Pashinyan có biểu hiện chống Nga.
Đơn cử như việc ông Pashinyan tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, kêu gọi người dân thảo luận việc gia nhập EU, cáo buộc Nga lên kế hoạch "kêu gọi lật đổ chính quyền ở Armenia", gia nhập Tòa án hình sự quốc tế (ICC - cơ quan đã ban lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin), đồng thời yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi Armenia.
Điện Kremlin hôm 9/5 cho biết, quyết định rút quân khỏi các vùng biên giới Armenia được ông Putin đưa ra sau cuộc gặp hiếm hoi với ông Pashinyan, trong đó, ông Pashinyan nói rằng do tình hình thay đổi nên Armenia "không còn nhu cầu" nhờ Nga hỗ trợ.
Đáng lưu ý, trong lúc ông Pashinyan đang có cuộc gặp với Tổng thống Putin ở Moscow, Bộ Ngoại giao Armenia "ở nhà" thông báo rằng nước này sẽ ngừng đóng phí cho CSTO.
Người biểu tình đòi ông Pashinyan từ chức
Các đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hàng nghìn người vẫy cờ Armenia. Đức Tổng Giám mục Bagrat Galstanyan - một giáo sĩ cấp cao của Armenia - nói với những người biểu tình rằng, ông cho Thủ tướng Pashinyan "1 giờ để từ chức" sau khi cáo buộc ông Pashinyan đã để mất lãnh thổ Armenia.
Sau khi hết thời hạn mà không có phản hồi công khai nào từ Thủ tướng, ông Galstanyan nói với đám đông: "Với việc không đưa ra bất cứ phản ứng nào, ông Pashinyan đã thể hiện sự coi thường và bác bỏ những người đã bầu chọn cho mình. Vì thế, chúng ta sẽ buộc ông ta phải làm điều đó (từ chức)".
Hai nhà lập pháp đối lập ở Armenia đã tham dự cuộc biểu tình trong ngày 14/5 do Đức Tổng Giám mục Bagrat Galstanyan dẫn đầu. Ông Galstanyan là lãnh đạo nhà thờ đến từ vùng Tavush, nơi các ngôi làng sắp được bàn giao cho Azerbaijan.
Theo quy định, những người biểu tình phải đề cử ứng viên Thủ tướng thay thế ông Pashinyan, đồng thời phải có được phiếu ủng hộ của 36 nhà lập pháp. Ông Galstanyan hiện không đủ điều kiện ứng cử vì mang 2 quốc tịch Armenia - Canada.
Các phe đối lập trong nghị viện Armenia có 35 nhà lập pháp, điều này có nghĩa những người biểu tình phải có được sự ủng hộ từ một nghị sĩ độc lập hoặc từ một nghị sĩ đến từ đảng của Thủ tướng Pashinyan.
Hiện tại, ông Galstanyan thông báo nghị sĩ độc lập Ishkhan Zakaryan đã đồng ý bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của đám đông biểu tình.
Sau các rào cản ban đầu này, một cuộc bỏ phiếu luận tội cần được tiến hành trong vòng 3 ngày, và cần có có 54 phiếu ủng thì mới có thể thành công buộc ông Pashinyan từ chức.
Hiện tại, các đảng đối lập ở Armenia đang công khai ủng hộ phong trào biểu tình, và muốn tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Pashinyan tại Quốc hội.
Về phần mình, Thủ tướng Pashinyan đang quyết liệt bảo vệ quyết định được đưa ra, với lý do "cần chuyển chương trình nghị sự hòa bình trên lý thuyết thành hòa bình thực sự".
Armenia đề nghị Moscow tiếp tục đóng quân ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran
Ngày 14/5, khi phát biểu trên hãng thông tấn Interfax về tình hình của lực lượng Nga tại Armenia, ứng cử viên cho vị trí Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov cho biết, Yerevan đã đề nghị Moscow tiếp tục duy trì sự hiện diện của lực lượng biên phòng Nga tại biên giới giữa Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
"Họ (Armenia) đề nghị chúng tôi tiếp tục thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình để bảo vệ biên giới giữa Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trước đó, Yerevan đã yêu cầu Nga rút các nhóm tác chiến tạm thời khỏi đường phân giới, và chấm dứt hiện diện ở các khu vực không được phân định về mặt pháp lý dưới bất cứ hình thức nào" - Ông Bortnikov nói.
Đề nghị này đã được thống nhất trong cuộc trao đổi giữa ông Putin và ông Pashinyan trước khi các cuộc biểu tình diễn ra.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh đắc lực của Azerbaijan, tạo ra mối đe dọa rõ ràng cho Armenia, thì vùng biên giới dài 40km giữa Iran-Armenia cũng đang có nguy cơ bị Azerbaijan xâm phạm để thiết lập Hành lang Zangezur bằng vũ lực.
Nếu được thực hiện, Hành lang Zangezur sẽ cung cấp cho Azerbaijan quyền truy cập không bị cản trở đến Cộng hòa tự trị Nakhchivan mà không cần qua các chốt kiểm soát của Armenia.
Moscow và Yerevan đã ký thỏa thuận về việc triển khai lực lượng biên phòng Nga trên lãnh thổ nước cộng hòa vào ngày 30/9/1992. Theo Hiệp ước về Tình trạng của Lực lượng Biên phòng Nga, lực lượng Nga sẽ bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan tới các cáo buộc của Armenia về lực lương biên phòng Nga ở biên giới Armenia-Azerbaijan, Nga khẳng định, lực lượng biên phòng Nga đã hết mình hỗ trợ an ninh tại biên giới và ngay trong lãnh thổ Armenia. Moscow phản bác rằng, thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus mới là nguyên nhân khiến các nhóm vũ trang Armenia ở Karabakh thất thế khi Azerbaijan phát động tấn công.
Đời sống Pháp luật