MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn chặn buôn bán, sử dụng hóa đơn điện tử trốn thuế

16-06-2023 - 10:28 AM | Kinh tế số

Hiện nay vẫn có các doanh nghiệp (DN) mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Tổng cục Thuế đang tìm cách truy vết để ngăn chặn các DN “ma”, buôn bán, sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật.

Hàng loạt đường dây mua bán hóa đơn lộ sáng

Ngày 27/4, Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố 3 bị can tội trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn. Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã khởi tố 37 bị can trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn điện tử và làm, mua bán, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức trên cả nước với tổng số tiền trên 38.000 tỷ đồng, gây thiệt hại về thuế trên 3.800 tỷ đồng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra.

Cơ quan công an xác định các đối tượng đã thông qua mạng Zalo, mua 228 công ty có địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, sau đó thông qua mạng lưới trung gian khoảng 400 người để tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua và bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ban chuyên án, ở giai đoạn đầu điều tra, đây là vụ việc phức tạp, bởi các đối tượng đều sử dụng các thông tin giả trên không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Cũng mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn với quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, qua nắm bắt thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã khám xét 9 địa điểm trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, tạm giữ 70 con dấu của DN và số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.

Các đối tượng khai nhận, từ năm 2018 đến nay đã sử dụng thông tin chứng minh nhân dân của người thân và mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 công ty “ma” tại TPHCM, 10 công ty “ma” tại Đồng Nai. Sau đó, nhóm này lên mạng tìm khách hàng, chào bán hóa đơn giá trị gia tăng, ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận 1,5% - 2% giá trị hóa đơn chưa thuế. Điều tra ban đầu cho thấy, các công ty đã xuất khống hơn 20.000 hóa đơn cho gần 4.000 công ty khác nhau ở 35 tỉnh, thành. Công an TPHCM đang tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố đối tượng môi giới bán hóa đơn về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Những trường hợp mua bán hóa đơn trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, hàng loạt nhóm mua bán hóa đơn với số thành viên lên tới vài chục nghìn người. Các nhóm mua bán hóa đơn này thường xuyên có những bài viết cung cấp dịch vụ viết hóa đơn, đủ tất cả các ngành nghề.

Theo tìm hiểu, của PV người mua sẽ phải trả từ 3 - 8% giá trị tổng hóa đơn để nhận được hóa đơn điện tử.

Những mạng lưới “công ty ma”

Về hành vi gian lận hóa đơn, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết: Các đối tượng thường sử dụng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân giả mạo/mất cắp, thuê người làm đại diện pháp luật, thành lập chuỗi DN trung gian hoặc mua lại các DN và thay đổi giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bằng hình thức qua mạng. Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký thanh toán qua Internet Banking. Sau đó thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian khai thác thông tin các DN trên trang thông tin điện tử để liên hệ bán trái phép hóa đơn điện tử.

Để hợp thức cho các hóa đơn đã bán có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: Đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm… các đối tượng làm con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng…) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho DN mua hóa đơn.

Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, từ đó DN quản trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả DN và nền kinh tế. Hóa đơn điện tử cũng được đánh giá góp phần quan trọng phát triển chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có hiện tượng một số DN, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thuế - Kế toán - Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhiều đơn vị, DN sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử làm phương thức thanh toán, quyết toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quyết toán thuế và quyết toán các khoản chi. Do vậy, nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử càng lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến tội phạm luôn tìm cách lợi dụng để tổ chức hành vi mua bán hóa đơn điện tử trái phép. Bên cạnh đó, công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn môi trường quản lý hóa đơn giấy khi các cơ quan chức năng chưa đồng bộ trong quản lý khiến các đối tượng lợi dụng để mua bán hóa đơn trái phép.

Truy vết, xử lý doanh nghiệp mua bán hóa đơn

Theo Tổng cục Thuế, tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý là hơn 3,91 tỷ hóa đơn, trong đó 1,14 tỷ hóa đơn có mã; hơn 2,77 tỷ hóa đơn không mã. Tính đến cuối tháng 5/2023, đã có 18.963 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đã tiếp nhận là 6.530.372 hóa đơn.

Bộ Tài chính cho hay, trong thời gian qua, công tác quản lý hóa đơn đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm sát sao, tuy nhiên vẫn còn tình trạng buôn bán hóa đơn, trục lợi tiền thuế của ngân sách nhà nước. “Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn không hợp pháp, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng” - Bộ Tài chính khẳng định.

Đối với các biện pháp chống gian lận hóa đơn điện tử qua việc rao bán hóa đơn điện tử trên nền tảng không gian mạng, Cơ quan Thuế sẽ tăng cường rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (Facebook, website, Zalo,...).

Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Cơ quan Thuế đang đề nghị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an có biện pháp kiểm tra, xem xét đối với các trường hợp công khai rao bán hóa đơn trên nền tảng không gian mạng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi bán hóa đơn điện tử không hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Theo T.Hằng - Minh Sang

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên