Ngăn chặn khách Trung Quốc thanh toán "chui"
Lần đầu tiên UBND tỉnh Khánh Hòa phải gửi văn bản khẩn lên Văn phòng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành trung ương có biện pháp quản lý các hoạt động thanh toán của khách Trung Quốc.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép, một hình thức trốn thuế. UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, Alipay, Wechat Pay… một cách hiệu quả để kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Dịch vụ riêng cho khách Trung Quốc
Thời gian gần đây, trên các cửa hàng dọc tuyến đường trung tâm TP Nha Trang xuất hiện hàng loạt bảng thông báo chấp nhận thanh toán qua mã phản hồi nhanh, ví điện tử như: Alipay, Wechat Pay.
Tại một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Wechat Pay trên đường Trần Hưng Đạo, chủ cửa hàng cho biết do khách Trung Quốc (TQ) rất nhiều, nhu cầu mua sắm lớn nên cửa hàng phải mở dịch vụ riêng cho khách TQ, Đài Loan. Khi khách mua hàng, họ chỉ cần mở điện thoại di động lên rà vào mã và nhập số tiền cần thanh toán.
Một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Wechat Pay dành riêng cho khách Trung Quốc
Trong khi đó, một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn khách TQ cho biết nếu du khách TQ mua sắm, quẹt điện thoại bằng Wechat Pay liên kết với Vimo (đơn vị của Việt Nam) thì tiền sẽ chuyển từ TQ về cho Vimo. Vimo sẽ chuyển cho các đối tác của mình là chủ cửa hiệu và thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, nếu chính chủ cửa hàng có tài khoản ở TQ, khách mua sắm ở Nha Trang nhưng dòng tiền chảy ở TQ, trong nước không được "hưởng lợi" gì từ việc mua sắm này.
Tại một số chuỗi cửa hàng mà các tour dẫn khách TQ, chúng tôi còn chứng kiến du khách mua sắm, sau đó dùng thẻ quẹt vào máy POS (Point of Sale - máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng) để thanh toán. Máy POS muốn hoạt động tại Việt Nam phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, khẳng định việc các cửa hàng sử dụng máy POS nhập lậu từ TQ sẽ gây thất thu thuế, khó kiểm soát được hàng hóa. "Chúng tôi vừa tổ chức đoàn kiểm tra các cửa hàng đăng ký thanh toán bằng máy POS thì đều chấp hành đúng quy định. Còn những máy POS "chui" rất khó xử lý, đòi hỏi phải lực lượng có nghiệp vụ như công an, QLTT kiểm tra đột xuất mới phát hiện được" - ông Chiểu nói.
Riêng về hình thức thanh toán bằng Alipay, Wechat Pay, vị lãnh đạo này cho biết đây là hình thức mới phát sinh ở Nha Trang nên cần phải nghiên cứu tính pháp lý của hình thức này.
Khó kiểm soát
Trong văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định tại tỉnh có 417 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 25 DN chuyên đón khách TQ. Việc các DN khai thác thị trường khách TQ với các tour giá rẻ qua các chuyến bay charter dẫn đến hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm để bù đắp chi phí.
Trong đó, một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán chui qua POS, thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh (QR code) dưới hình thức sử dụng điện thoại thông minh.
Hiện nay, các tổ chức thanh toán thẻ cung cấp cho các đơn vị chấp nhận thẻ các loại máy POS cầm tay. Tổ chức thanh toán thẻ chưa có các giải pháp quản lý về quy trình và công nghệ nên việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật thông qua POS rất khó khăn. Máy này nhỏ gọn, dễ cất giấu và khó phân biệt đâu là máy hoạt động hợp pháp, đâu là máy hoạt động trái phép.
Hình thức thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh dưới hình thức sử dụng điện thoại thông minh được thực hiện qua điện thoại di động của bên bán và bên mua nên việc kiểm tra, bắt quả tang các trường hợp này rất khó và không có chứng cứ như hóa đơn, chứng từ… Vì vậy, để kiểm soát các hoạt động thanh toán này cần phải có các giải pháp quản lý về công nghệ và các quy định pháp luật cụ thể.
Các địa phương cần xử lý nghiêm
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 21-8, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho rằng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng đón lượng khách TQ tăng mạnh. Năm ngoái, du lịch Việt Nam đón hơn 4 triệu lượt khách TQ, năm nay dự đoán có thể khoảng 7 triệu lượt. Còn ở Thái Lan, năm ngoái đã đón hơn 7 triệu lượt khách TQ, năm nay có thể lên gần 12 triệu lượt.
Tốc độ tăng trưởng khách TQ rất nhanh nên cơ quan quản lý ngành ở Việt Nam cũng chưa có đầy đủ kinh nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa tốt. Điều này dẫn đến những bất cập, trong đó có cả câu chuyện thanh toán qua máy POS trái phép hay du khách thanh toán trên ví điện tử Wechat Pay, Alipay… chuyển tiền ra nước ngoài, cơ quan quản lý Việt Nam chưa kiểm soát được.
Khi họ mua sắm, thanh toán qua kênh Wechat Pay, Alipay hoặc cà máy POS trái phép thì tiền lại chuyển ra nước ngoài. Đây là vấn đề cơ quan nhà nước có liên quan cần xử lý bởi có phương thức thanh toán phù hợp sẽ giúp quản lý được nguồn thu từ khách du lịch.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM cho biết nếu lắp đặt máy POS trái phép rồi cho khách TQ cà thẻ, tiền chuyển về lại TQ là sai phạm. Đây là hành vi lắp đặt máy POS lậu và cơ quan quản lý ở các địa phương cần xử lý nghiêm. Riêng với phương thức thanh toán mua hàng qua Wechat Pay, Alipay… hiện rất phổ biến ở TQ và là thói quen của khách du lịch nước này. "Do đó, để tránh thất thoát nguồn thu từ du khách cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khách TQ thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ qua kênh này, NHNN cần sớm có hướng dẫn để các ngân hàng thương mại làm việc với đơn vị có ứng dụng Wechat Pay, Alipay" - vị phó tổng giám đốc này nói.
THÁI PHƯƠNG
Người lao động