MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn chặn 'om' vé máy bay, đẩy giá cao

Để giảm giá vé máy bay hỗ trợ du lịch, các chuyên gia cho rằng cần sự hỗ trợ từ nhà nước, không thể để các doanh nghiệp tự cân đối.

Đại lý, công ty du lịch “ôm” vé máy bay

Câu chuyện giá vé máy bay tăng cao tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý của người dân, đặc biệt khi cao điểm hè sắp tới, nhu cầu đi du lịch lớn. Ngay dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, giá vé máy bay quá cao đã khiến người dân đi du lịch nội địa giảm so với dịp lễ năm trước (trong khi năm trước nhiều người còn lo ngại dịch COVID-19). Điều đó cho thấy, giá vé máy bay tác động không nhỏ tới nhu cầu đi lại, du lịch của người dân, đặc biệt với bay nội địa.

Ngăn chặn 'om' vé máy bay, đẩy giá cao - Ảnh 1.

Giá vé máy bay sẽ khó rẻ trong thời gian tới.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (Vaba) Bùi Doãn Nề cho rằng, hiện hàng không và du lịch đã dần phục hồi, nhưng dư âm ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 3 năm qua vẫn còn nặng nề. Muốn giảm giá vé máy bay cần có bàn tay hỗ trợ từ nhà nước, để ngành hàng không và du lịch cùng phục hồi. Đặc biệt, trong các chính sách, hàng không và du lịch đều cần gói hỗ trợ tín dụng, giảm thuế, phí, các gói kích cầu ngành du lịch. Các chính sách cần kéo dài ít nhất tới hết năm nay.

Theo ông Nề, khi được hỗ trợ từ nhà nước, chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm, tạo cơ hội giảm giá cho người dân, du khách.

Đi kèm với hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, đại diện Vaba đề xuất Nhà nước có cơ chế mở cửa nền kinh tế và du lịch đồng bộ, phù hợp, tránh rào cản với nhà đầu tư, du khách khi đến Việt Nam (như chính sách thị thực). Có như vậy thị trường hàng không và du lịch mới có cơ hội phục hồi và tăng trưởng, tăng cạnh tranh với khu vực và thế giới. Khi khách du lịch tăng, đặc biệt khách quốc tế, các hãng vận tải hàng không cũng hưởng lợi, khi thị trường này vẫn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính cho hàng không.

Trước hiện tượng đại lý, công ty du lịch “ôm” vé máy bay khi còn rẻ và chờ giá lên cao mới bán ra, khiến thị trường khan hiếm vé, một cán bộ Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho rằng, mỗi hãng có cách kinh doanh riêng. Quản lý nhà nước không can thiệp sâu vào việc đó, để thị trường điều tiết. “Thông thường, các hãng đều có tỷ lệ vé nhất định với giá ưu đãi cho các đại lý, công ty du lịch, những đơn vị này thường là đối tác lâu năm của hãng. Khi đại lý nhận giá ưu đãi, nhưng bán ra theo giá thị trường, dẫn tới phần chênh. Tuy nhiên, vé loại này đều có điều khoản về đặt cọc, thời hạn phải bán, nếu không sẽ mất tiền cọc và bị thu lại vé. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp khi đại lý bán vé vượt giá trần quy định, nhưng tới nay chưa có phản ánh nào như vậy”, vị cán bộ trên nói.

Theo vị cán bộ này, Cục Hàng không có số điện thoại đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng vé máy bay vượt trần. Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không phải kiểm soát chặt chẽ việc bán vé của đại lý, đảm bảo giá vé trong khung cho phép. “Giá vé máy bay cao nhưng vẫn trong khung cho phép thì không thể nói là vi phạm được”, vị cán bộ nói thêm.

Đề xuất có chính sách hỗ trợ, trợ giá

Một chuyên gia hàng không cho biết, hiện cả nước có vài trăm đại lý vé máy bay cấp 1, số lượng đại lý cấp 2 lớn hơn nhiều. Vào những dịp cao điểm như nghỉ lễ, tết, mỗi đại lý chỉ cần “om” vài vé trên một chuyến bay giờ đẹp, chặng cao điểm, số còn lại các hãng trực tiếp bán ra tới hành khách sẽ không còn nhiều.

Cũng theo vị chuyên gia trên, hiện người dân tương đối nhạy cảm với giá vé máy bay. Trong 3 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, giá vé máy bay rẻ, nên mỗi dịp có thể là lên đường đi chơi. “Sau 3 năm ảnh hưởng dịch bệnh, người dân quen với giá vé máy bay rẻ, nhưng giờ đã bình thường trở lại, giá vé cũng phải về lại như thời điểm cũ (năm 2019). Người dân phải quen với việc muốn có vé máy bay rẻ phải đi vào thấp điểm, phải canh để mua vé khuyến mại như trước đây. Giai đoạn bình thường trở lại các hãng phải tính tới bán vé hòa vốn, tiến tới có lãi, không thể bù lỗ mãi được”, vị chuyên gia trên nói.

Vị chuyên gia cũng đề xuất, muốn kích cầu du lịch bằng vé máy bay nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, trợ giá, tương tự các gói kích cầu du lịch từng thực hiện những năm ảnh hưởng dịch COVID-19 trước đó. Điều này đòi hỏi phải có vai trò của nhà nước, cơ quan quản lý du lịch, điều tiết chung, vì du lịch phát triển hàng không cũng hưởng lợi nhờ bán được nhiều vé.

Bộ GTVT đang xem xét điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa theo hướng tăng, trong bối cảnh các loại chi phí đầu vào của hãng hàng không đều đã tăng. Nếu trần giá vé máy bay được điều chỉnh tăng thêm, thời gian tới giá vé máy bay sẽ có thể tăng theo. Trần giá vé máy bay đang áp dụng đã được ban hành từ năm 2015 tới nay.

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, các hãng hàng không đã vận chuyển gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính cho tăng trưởng trên là từ khách quốc tế, khi có hơn 531 nghìn lượt khách, tăng tới 296% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, khách đi nội địa bằng đường hàng không dịp nghỉ lễ vừa qua lại giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 757 nghìn lượt khách.

Cảng cạn có diện tích lớn nhất Việt Nam

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên