Ngân hàng bán nợ doanh nghiệp, đại hạ giá vẫn khó tìm khách mua
Các khoản nợ có giá trị hàng chục tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng, được các nhà băng rao bán nhiều lần, thậm chí đại hạ giá vẫn chưa có người mua.
- 13-09-2022Chuyên gia Trần Đình Thiên: Bơm tiền hay không bơm tiền đều phải căn cứ vào nợ xấu
- 09-09-2022Ngân hàng được nới room tín dụng: Làm sao để từng đồng cho vay hiệu quả, tránh nợ xấu?
- 07-09-2022Ngân hàng rao bán đấu giá nợ xấu bất động sản
Thời gian qua, các ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, liên tục có thông báo phát mại, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên trên thực tế việc chào bán, phát mại bất động sản, chuyển nhượng các khoản nợ, đặc biệt là những khoản nợ của các doanh nghiệp lại vô cùng chật vật, vất vả đối với các ngân hàng.
Từ nhóm Big 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank cho đến các ngân hàng thương mại như Sacombank, MB... đều ghi nhận những khoản nợ doanh nghiệp khó bán. Các khoản nợ có giá trị hàng chục tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng, được các nhà băng rao bán nhiều lần, thậm chí đại hạ giá vẫn chưa có người mua.
Những món nợ "khủng", đại hạ giá vẫn khó tìm người mua
Sacombank mới đây thông báo đấu giá toàn bộ 18 khoản nợ được bán không tách rời được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tổng giá trị các khoản nợ tính đến 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.134 tỷ đồng, và hơn 11.061 tỷ đồng nợ lãi. Giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá là 8.640 tỷ đồng, tương đương với 53% tổng dư nợ. Khoản nợ trên đã từng được Sacombank rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm khách mua. So với lần rao bán đầu tháng 8, 18 khoản nợ giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) cho biết đối với khoản nợ nói trên của Sacombank, ngân hàng đã thay đổi hình thức thanh lý từ đấu giá tài sản là KCN Phong Phú sang đấu giá khoản nợ. Nguyên nhân là do Sacombank không thể đưa KCN Phong Phú ra đấu giá trong 3 năm qua do những vướng mắc về pháp lý liên quan đến KCN này. Nhóm phân tích cũng cho biết giá chào bán khởi điểm mỗi lần đấu giá không thành công đang giảm xuống một cách nhanh chóng và tiến gần với dư nợ gốc.
Biểu đồ: ACBS
Tại BIDV, nhà băng này cũng chật vật với món nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) - Chủ đầu tư dự án dở dang hơn 13 năm vừa được đổi tên thành Grand Sentosa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè).
BIDV cho biết tính đến 30/6, tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó 2.506 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại là nợ lãi. Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.425 tỷ đồng, đây là lần thứ 3 khoản nợ này được rao bán kể từ đầu năm đến nay, giảm hơn 230 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 8.
Ngoài khoản nợ của Công ty Tài Nguyên, BIDV còn một khoản nợ khó bán khác là Công ty TNHH Ngọc Linh. Khoản nợ của doanh nghiệp này được BIDV rao bán không dưới 10 lần nhưng vẫn chưa tìm được khách mua. Tính đến ngày 30/4 tổng dư nợ hiện là 2.198,4 tỷ đồng và hơn 20 triệu USD (tương đương với khoảng 463 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ gốc là 1.110 tỷ đồng và 11,8 triệu USD.
Giá khởi điểm đấu giá BIDV đưa ra là hơn 1.154 tỷ đồng. Ở lần đầu tiên thông báo bán vào cuối năm 2020, giá khởi điểm là 2.100 tỷ, sau 11 lần thông báo, nhà băng đã giảm giá đấu giá hơn 1.000 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ của công ty Ngọc Linh là hơn 64 ha nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bằng nhiều bất động sản quyền khai thác mỏ chì kẽm khác.
Bên cạnh hai doanh nghiệp trên, BIDV cũng có thông báo bán đấu giá nhiều lần khoản nợ của CTCP Kiến trúc và xây dựng Archplus. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 31/3 là hơn 536 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi 199,1 tỷ đồng, phí phạt quá hạn 79,9 đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại CTCP Thời trang NEM và bảo lãnh thanh toán của CTCP Thời trang NEM. Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên, đây là lần thứ 11 khoản nợ này được rao bán. Nếu so với lần rao bán đầu hồi tháng 4/2021, mức giá khởi điểm lần này đã giảm gần một nửa, từ 498 tỷ đồng còn 257 tỷ đồng.
Không chỉ riêng BIDV, Agribank cũng ghi nhận một khoản nợ khó bán. Agribank đã có hơn 30 thông báo bán đấu giá khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Ngân hàng cho biết tính đến 15/10/2018, tổng dư nợ của doanh nghiệp là hơn 708 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 352,1 tỷ đồng, nợ lãi 356,1 tỷ đồng. Giá khởi điểm đấu giá Agribank đưa ra là 363 tỷ đồng, giảm 42 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên. Khoản nợ trên từng được tổ chức bán đấu giá với giá khởi điểm là 405 tỷ đồng vào tháng 11/2018.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh, diện tích 6.952 m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn là tài sản hình thành trong tương lai gồm toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây dựng trên thửa đất số 155, tờ bản đồ số 9 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Tại VietinBank, ngân hàng cũng liên tục có thông báo bán đấu giá khoản nợ của hai doanh nghiệp, trong đó một khoản nợ hơn 327,1 tỷ của CTCP Thương mại đầu tư Tân Hương và một khoản nợ hơn 387,6 tỷ đồng của CTCP Giấy Bãi Bằng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Thương mại đầu tư Tân Hương là toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc, vật kiến trúc được xây dựng trên hai lô đất có diện tích 23.164,6 m2 và 2.557,9 m2 đất thuê tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, cùng một bất động sản khác tại TP Hải Phòng. Giá khởi điểm VietinBank đưa ra là 133 tỷ đồng, tương đương với 40% tổng dư nợ của doanh nghiệp.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của CTCP Giấy Bãi Bằng bao gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm. Ngoài ra, tài sản cũng là dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre, phương tiện vận tải. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho toàn bộ tài sản trên là 350,2 tỷ đồng.
Vietcombank cũng ghi nhận khoản nợ trăm tỷ của CTCP Beton 6 (Beton 6). Tính đến hết ngày 31/7, tổng dư nợ của Beton 6 tại ngân hàng là 103,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 63,7 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 27,3 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn 12,2 tỷ đồng.
Trong thông báo tổ chức đấu giá khoản nợ của Beton 6, Vietcombank cho biết tài sản đảm bảo gồm quyền tài sản là các khoản phải thu của Beton 6, máy móc thiết bị thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ trên được ngân hàng đưa ra là 63,7 tỷ đồng, tương đương với tổng nợ gốc mà Vietcombank đã giải ngân cho Beton 6.
Theo thông báo mới đây, MB tiếp tục chào bán hai khoản nợ với giá khởi điểm chỉ bằng 3% tổng dư nợ. Theo đó, Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng MB (MBAMC), công ty trực thuộc MB thông báo chào bán cạnh tranh toàn bộ khoản nợ của CTCP Tân Tân và CTCP Sing Sing tại MB chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Tài sản chào bán là toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc, lãi của hai doanh nghiệp nêu trên tính đến hết ngày 17/8. Trong đó, tổng dư nợ của CTCP Sing Sing là hơn 31,1 tỷ đồng, nợ gốc 6,8 tỷ đồng, còn lại hơn 24,2 tỷ đồng là nợ lãi. CTCP Tân Tân ghi nhận khoản nợ bao gồm cả gốc và lãi là hơn 28,7 tỷ đồng (nợ gốc 6,3 tỷ đồng). Giá khởi điểm cho khoản nợ trên là 2 tỷ đồng, tương đương với mức giá chỉ bằng khoảng 3% tổng dư nợ của cả hai doanh nghiệp.
Nhịp Sống Số