Ngân hàng báo lãi lớn nhờ đâu?
Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả loạt bài về lợi nhuận ngân hàng năm 2017 và cố gắng cung cấp một bức tranh trung thực, đầy đủ nhất về hệ thống ngân hàng và những thay đổi của nó sau một năm đầy biến động.
2017 có thể coi là một năm làm ăn kinh doanh thành công đối với ngành ngân hàng khi hàng loạt nhà băng ghi nhận kết quả khả quan, lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2016.
Theo ước tính của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), lợi nhuận sau thuế toàn ngành tăng khoảng 44,5% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm 2016, ước đạt lần lượt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).
So sánh với một số quốc gia Châu Á giai đoạn 2012-2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống TCTD Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh khi hầu như các nước chỉ cải thiện nhẹ hoặc tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2012.
Giảm dần phụ thuộc vào tín dụng
Theo báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, kết thúc năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức 18,17%.
Trong khi đó, tổng hợp số liệu BCTC năm 2017 của 13 ngân hàng cỡ lớn và trung bình của BizLIVE cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 của nhóm này đạt 19,7%, cao hơn so với mức trung bình ngành và đạt hơn 3.688 nghìn tỷ đồng.
Nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh, nên thu nhập lãi thuần cũng có sự cải thiện tích cực. 12/13 ngân hàng trong nhóm khảo sát có thu nhập lãi thuần trong năm tăng trưởng so với năm 2016. Trong khi đó, tổng thu nhập lãi thuần của nhóm tăng trưởng tới 25,7% so với năm trước, và là mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây.
Một điểm có thể thấy khá rõ trong năm qua, là xu hướng lợi suất và chi phí lãi biến động theo hướng có lợi cho các nhà băng, như lợi suất giảm chậm hơn chi phí lãi hoặc lợi suất tăng nhanh hơn chi phí lãi hoặc lợi suất tăng trong khi chí phí lãi giảm. Theo đó, mức chênh lệch lãi ròng có xu hướng mở rộng và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có cơ hội tăng trở lại.
Theo một báo cáo của NFSC, thì NIM toàn hệ thống trong năm 2017 ước tăng lên gần 3%, từ mức 2,74% trong năm 2016.
Trong nhóm khảo sát, LienVietPostBank đang là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động cao nhất, lên tới 102,6%, đạt 5.226 tỷ đồng. Sở dĩ con số này có thể vượt 100% là do trong năm, ngân hàng ghi nhận khoản lỗ hơn 586 tỷ đồng trong hoạt động khác. Dù vậy, nhờ lãi từ mảng tín dụng tăng trưởng mạnh nên kết thúc năm 2017, LienVietPostBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.768 tỷ đồng, tăng 31,3% so với năm 2016. Với kết quả này, ngân hàng đã vượt 17,9% kế hoạch lợi nhuận đề ra hồi đầu năm (1.500 tỷ đồng).
TPBank cũng là một trong những nhà băng phục thuộc nhiều vào tín dụng khi gần 88% tổng thu nhập được đóng góp từ mảng này. Con số này tại VIB là 84,4%, tại VPBank là 82,4% và tại Vietinbank là 83%.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong năm qua, nhưng tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động của nhóm này lại có xu hướng giảm so với năm trước, còn 77,1%, so với mức 80,25% trong năm 2016.
Điều này cho thấy lợi nhuận của ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Thay vào đó, lợi nhuận từ mảng dịch vụ lại đang có xu hướng đi lên, từ mức 8,7% lên 10%/tổng thu nhập hoạt động, lãi thuần từ hoạt động khác tăng từ 6,4% lên 7,1% hay lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng từ 0,07% lên 1,5%/tổng thu nhập hoạt động.
SHB là một trong những ngân hàng có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất trong cơ cấp thu nhập. Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động giảm từ mức 83,5% trong năm 2016 xuống còn 75% trong năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ/tổng thu nhập hoạt động lại tăng vọt từ 6,7% lên 20,5%.
Tương tự, tại Techcombank, lãi từ tín dụng chỉ chiếm 54,6% tổng thu nhập, thay vì mức 68,8% trong năm trước trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ lại tăng từ 16,5% lên 23,3%/tổng thu nhập hoạt động.
Nhiều ngân hàng vẫn cho vay vượt tiền gửi khách hàng
Ngoài việc lợi nhuận tăng mạnh thì một điều khá dễ thấy là trong năm vừa qua, tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi của một số ngân hàng ở mức khá cao.
Vietinbank là một ví dụ. BCTC năm 2017 của ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trên thị trường 1 của ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn khi cho vay khách hàng tăng mạnh 19,4%, lên gần 790,7 nghìn tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 14,9%, lên gần 752,4 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, hệ số cho vay/tổng tiền gửi của ngân hàng ở mức rất cao, tới 105%, so với mức hơn 87% trung bình toàn ngành.
Dù vậy, nhờ các khoản nợ Chính phủ và NHNN tăng 216%, lên 15,2 nghìn tỷ đồng và tiền, vàng gửi và vay các TCTD khác tăng 35,8%, lên 115,6 nghìn tỷ đồng nên Vietinbank vẫn thu xếp đủ nguồn tiền phục vụ cho hoạt động tín dụng.
Tương tự, tỷ lệ này tại BIDV là gần 101%. Để phục vụ hoạt động cho vay, ngân hàng phài nhờ đến việc phát hành giấy tờ có giá, mức 83,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25,7% so với đầu năm) và các khoản nợ Chính phủ và NHNN lên tới 77,5 nghìn tỷ đồng (tăng 78,6% so với đầu năm).
Hay ở SHB, đến cuối năm 2017, cho vay của ngân hàng cũng tương đương với lượng tiền gửi của khách hàng, đạt mức 196,1 nghìn tỷ đồng, đưa tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi ở mức 100%.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2509/QĐ-NHNN về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của Ngân hàng TMCP mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định các ngân hàng có vốn Nhà nước bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90%.
BizLive