MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng đầu tiên "quay xe", trở lại thu phí SMS 9.900 đồng/tháng như cũ

18-03-2022 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng đầu tiên "quay xe", trở lại thu phí SMS 9.900 đồng/tháng như cũ

Ngân hàng này cho biết tạm hoãn việc thu phí 9.900-77.000 đồng/tháng với dịch vụ SMS Banking, vẫn áp dụng biểu phí cũ cố định 9.900 đồng/tháng.

Ngân hàng BIDV mới đây thông báo sẽ hoãn thu phí BSMS (SMS Banking) theo biểu phí phân tầng. 

"Với mong muốn chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, BIDV thông báo tạm thời vẫn áp dụng biểu phí BSMS cũ (cố định 9.900đ/tháng) trong quý I/2022", thông báo của nhà băng cho biết.

Chi tiết biểu phí mới và thời gian áp dụng, BIDV sẽ thông tin tới khách hàng trong các thông báo tiếp theo.

Trước đó, trong thông báo gửi khách hàng hồi đầu năm, từ 1/1/2022, BIDV thực hiện áp dụng biểu phí BSMS mới, phân tầng theo số lượng tin SMS thông báo biến động số dư tài khoản phát sinh thực tế đối với mỗi số điện thoại đăng ký dịch vụ của khách hàng.

Theo biểu phí phân tầng, đối với 0-15 SMS/tháng, BIDV thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng.

Được biết, ngoài BIDV thì có một số ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Techcombank,…cũng áp dụng biểu phí phân tầng đối với dịch vụ SMS Banking từ đầu năm 2022. Việc thay đổi phí đã thông báo tới khách hàng qua website, email,…

Trong đó, Vietcombank chuyển từ mức phí 11.000 đồng/tháng lên 11.000-77.000 đồng/tháng (tùy số lượng tin nhắn). Techcombank cũng thu phí SMS 13.200-82.500 đồng/tháng với khách hàng sử dụng Homebanking.

Dù đã thông báo trước, trong tháng 2 vừa qua, khi ngân hàng thu phí SMS banking tháng 1, nhiều người không khỏi thấy "sốc" khi nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ lên tới 55.000-77.000 đồng/tháng.

Phản ứng dữ dội của khách hàng đã khiến Vietcombank phải nhiều lần lên tiếng giải thích và đồng thời khuyến khích khách hàng chuyển sang dịch vụ thông báo OTT trên ứng dụng ngân hàng số để không bị mất phí.

Các nhà băng giải thích, để gửi nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Mặc dù là các khách hàng lớn nhất, nhưng có một nghịch lý, đó là mức phí gửi tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác.

Có những ngân hàng đã phải bù lỗ cho dịch vụ này. Họ cũng nhiều lần đề xuất với nhà mạng giảm phí dịch vụ SMS nhưng không được phản hồi nên đành phải áp dụng biểu phí mới do giao dịch của khách hàng ngày càng nhiều, số lượng tin nhắn tăng mạnh.

Đến đầu tháng 3 vừa qua, các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông đã làm việc với nhau để thống nhất được phương án thu phí. Theo đó, các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất thu phí trọn gói là 11.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, ngoài BIDV tạm hoãn việc thu phí SMS phân tầng thì Vietcombank, Techcombank,...chưa có thông báo gì. 

Những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank,...đang sở hữu hàng chục triệu khách hàng. Do đó, việc đồng thuận được với nhau về mức thu phí hợp lý hơn sẽ là giải pháp tốt cho cả 3 bên. Bởi khi khách hàng huỷ dịch vụ sẽ không chỉ ngân hàng mà nhà mạng cũng sẽ thiệt hại. 

Được biết, hiện có khoảng 20 triệu khách hàng đang sử dụng dịch của Vietcombank. Giả sử các khách hàng này đều sử dụng SMS Banking thì số tiền tiết kiệm được sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng nếu so với biểu phí lũy tiến đang áp dụng. 

Do phí SMS Banking tăng cao, nhiều ngân hàng đã kêu gọi khách hàng chuyển sang dịch vụ tương đương là OTT (thông báo trên ứng dụng di động), hoàn toàn miễn phí và có nhiều tiện ích. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn muốn tiếp tục sử dụng SMS Banking do không cần phải có kết nối Internet, có thể nhận thông báo biến động số dư 24/7 để tiện theo dõi tài khoản.

https://cafef.vn/ngan-hang-dau-tien-quay-xe-tro-lai-thu-phi-sms-9900-dong-thang-nhu-cu-20220318095802513.chn

Thu Thủy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên