Ngân hàng “đón” chu kỳ tăng trưởng mới
Trong bối cảnh hầu hết thị giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng, nhiều ngân hàng cũng tranh thủ gọi vốn để chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới.
Trong xu hướng này, có không ít nhà đầu tư đặt niềm tin vào những cổ phiếu ngân hàng nhỏ đã hoàn tất xử lý xong các khoản nợ xấu VAMC, xây dựng nền tảng quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II và bắt đầu vận hành các dự án công nghệ số trong tham vọng bán lẻ.
Cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng
Từ cuối năm ngoái đến nay, "cổ phiếu vua" đã trở lại vị thế của mình, dẫn dắt thị trường tăng điểm nhiều phiên liên tiếp. Theo đó, thị giá hàng loạt ngân hàng đều có mức tăng trưởng ấn tượng, từ ngân hàng có quy mô tài sản lớn cho đến nhỏ, như Vietcombank, hay nhóm ngân hàng tiếp theo là VPBank, Techcombank, VIB,…Không chỉ ở con số tương đối, thị giá xét về tuyệt đối cũng có những bước tăng giá ấn tượng, cá biệt có ngân hàng thị giá vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu, một vài ngân hàng vượt mốc 50.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng ấn tượng còn nằm ở các ngân hàng nhỏ, kể cả những ngân hàng chỉ mới đăng ký giao dịch UPCoM. Chẳng hạn như cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt, tính đến ngày 21-4 đã tăng gần 26% so với hồi đầu tháng 2. So với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có thị giá tăng trong thời gian qua, mức tăng trưởng này tuy không quá nổi trội, nhưng đà tăng được giữ vững liên tục đi cùng thanh khoản giao dịch ổn định.
Không chỉ có thị giá và thanh khoản cổ phiếu nằm trong xu hướng tăng là chỉ báo cho thấy sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng, mối quan tâm của nhà đầu tư cũng ngày càng tăng lên đáng kể thể hiện qua số lượng cổ đông.
Trong bối cảnh thị giá BVB tăng gần 40% kể từ khi niêm yết vào hồi tháng 7 năm ngoái, số lượng cổ đông của ngân hàng này tăng từ 900 cổ đông đến hiện nay là gần 6.500 cổ đông. Điều này không chỉ cho thấy ngân hàng không chỉ ngày càng "đại chúng" hơn, minh bạch hơn, mà còn cho thấy rất nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào các cổ phiếu nhỏ mới lên sàn.
Có nhiều lý giải cho lý do tăng trưởng tốt cho nhóm ngân hàng. Đó là lợi nhuận báo cáo của ngành ngân hàng tích cực hơn so với các dự báo vào thời điểm đầu đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, về khía cạnh vĩ mô, thông tin lạc quan với ngành ngân hàng cũng ngày càng nhiều hơn trong bối cảnh kỳ vọng kinh tế hồi phục. Các ngân hàng cũng đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quí 4-2020.
Theo các chuyên gia phân tích, bỏ qua yếu tố giá cổ phiếu trong ngắn hạn, các nhà đầu tư hiện đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của ngân hàng. Điều này là có cơ sở khi ngành ngân hàng hiện nay đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với nhiều dự án ấp ủ. Trong bối cảnh này, cổ phiếu các ngân hàng nhỏ cũng hấp dẫn không kém vì tiềm năng tăng trưởng cao.
Chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới
Nói ngân hàng chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới là vì nếu điểm lại, hầu hết các ngân hàng hiện tại đều kết thúc giai đoạn kế hoạch "5 năm". Theo đó, năm 2020 được xem là năm "thiết lập nền tảng", còn năm 2021 hiện nay sẽ là năm bắt đầu chuyển đổi mạnh mẽ.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái, nhưng "nội lực" cho tăng trưởng vẫn đang được các ngân hàng chuẩn bị ráo riết, có thể nhìn thấy qua các kế hoạch tăng vốn để tăng năng lực tài chính ở nhiều nhóm ngân hàng có quy mô tài sản khác nhau. Để đón chu kỳ tăng trưởng mới, những ngân hàng nhỏ và có mức vốn pháp định trong nhiều năm qua như Bản Việt cũng không thể nằm ngoài cuộc chơi.
Theo tờ trình họp đại hội cổ đông thường niên 2021 mới đây, Ngân hàng Bản Việt dự kiến sẽ tăng vốn thêm tối đa 1.050 tỉ đồng trong năm 2021 và năm 2022. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 4.221 tỉ đồng, từ phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%. Trong quí 1 vừa qua, Ngân hàng đã tăng vốn từ mức 3.171 tỉ đồng lên 3.670 tỉ đồng dưới phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, đạt 99,5% kế hoạch.
Thành công tăng vốn cho thấy các nhà đầu tư hiện hữu đặt nhiều niềm tin vào ngân hàng đang triển khai nhiều dự án tham vọng. Trong giai đoạn 2021-2023, lãnh đạo Bản Việt cho biết ngân hàng tiếp tục bám sát mục tiêu trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại, lấy khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là trung tâm.
Trong năm ngoái, bên cạnh việc mở mới 17 điểm giao dịch, ngân hàng cũng đồng thời thực hiện nhiều dự án tham vọng liên quan đến hạ tầng công nghệ và số hóa. Bản Việt cũng là ngân hàng tiên phong mở tài khoản từ xa thông qua thiết bị di động (xác thực điện tử - eKYC), mở rộng hệ sinh thái của Fintech, triển khai cung cấp nền tảng cho Ngân hàng số Timo Plus, đưa Open API (giao tiếp lập trình mở - để kết nối với nhiều dịch vụ fintech) vào kinh doanh và bắt đầu triển khai với các đối tác lớn.
Những tín hiệu khả quan đầu tiên đã xuất hiện ngay trong năm ngoái. Số lượng khách hàng cá nhân tăng 50%. Thu nhập hoạt động tăng đến 26%, trong khi tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động tăng từ 17% lên 22%. Các giao dịch trực tuyến tăng 4 lần về giá trị và 8 lần về số lượng.
Năm 2020 cũng là năm mà Bản Việt hoàn tất xử lý các vấn đề tồn tại nhiều năm trước đó. Về quản trị rủi ro, Bản Việt là ngân hàng thứ 7 hoàn thành sớm cả 3 tru cột của BaselII, thành công đưa lên nền tảng điện toán đám mây. Từ hồi tháng 1, ngân hàng cũng đã xử lý sạch nợ xấu đã bán cho VAMC.
Việc "xếp lại" các vấn đề cũ cho phép ngân hàng tập trung vào chu kỳ tăng trưởng mới. Cùng với nhiều dự án giúp cải thiện quy trình và tăng hiệu quả hoạt động, số hóa đi vào cụ thể hơn trong từng hoạt động sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng trong tương lai.