MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng không thể làm thay ngành thuế

07-09-2018 - 09:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến vào cuối tháng 7 vừa qua đã đưa ra một số quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc quản lý thuế (quy định tại Điều 27).

Tạo thêm gánh nặng thủ tục

Theo phản ánh của một số NHTM cũng như chuyên gia tài chính, quy định này gây khó cho các ngân hàng bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng, sẽ làm phát sinh thêm thủ tục không cần thiết. Bên cạnh đó, việc yêu cầu ngân hàng phải cung cấp thông tin trong nhiều trường hợp cũng là trao nhiệm vụ nhầm đối tượng.

Ngân hàng không thể làm thay ngành thuế - Ảnh 1.

Quy định rõ ràng để NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý thuế

"Chúng tôi rất mong ban soạn thảo xem xét lại khoản 2 điều 27 của dự thảo luật, do phạm vi yêu cầu quá rộng sẽ phát sinh thêm rất nhiều việc cho các ngân hàng", một đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẩn khoản đề nghị tại một cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi) tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.

Theo vị này, hiện nay các ngân hàng cung cấp thông tin về đối tượng nộp thuế có vi phạm đã rất nhiều, nếu yêu cầu cung cấp thêm toàn bộ thông tin giao dịch nữa thì khối lượng cung cấp vô cùng lớn, sẽ tạo thêm gánh nặng về thủ tục và ngân hàng làm không xuể.

Nhận thấy những bất cập của quy định NHTM phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế tại điều 27, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa gửi một số ý kiến góp ý về nội dung này lên Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế.

Theo VCCI, vấn đề bất cập đầu tiên thể hiện ở các nội dung thông tin mà NHTM có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.

VCCI cho rằng quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này, và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì? Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng trên thực tế có thể rất tùy tiện.

Cũng cần lưu ý rằng, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

Đối với thông tin về mã số thuế khách hàng, VCCI đặt vấn đề không hiểu tại sao lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin này trong khi cơ quan thuế chính là cơ quan quản lý mã số thuế? Bên cạnh đó không phải trong mọi trường hợp khách hàng của NHTM đều có mã số thuế, nên yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi.

Luật chồng chéo làm khó ngân hàng

Không chỉ yêu cầu các NHTM thực hiện thêm phần việc không thuộc phạm vi nghiệp vụ ngân hàng, dự thảo luật còn đưa ra những quy định có thể gây nên chồng chéo đối với pháp luật ngân hàng hiện hành.

Theo đó, khoản 4 Điều 27 quy định NHTM phải: "Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế".

Nhiều ngân hàng cho rằng theo quy định của Luật Các TCTD, Luật Phòng chống rửa tiền và các quy định về tài khoản theo hướng dẫn của NHNN thì các NHTM chỉ có thể chuyển tiền nếu đáp ứng các điều kiện đã được quy định trong luật.

Thứ nhất, nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thứ hai, trong thời hạn cưỡng chế thuế, trong tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp. Thứ ba, hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NHTM cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước được, nếu không NHTM sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Do vậy, VCCI đề xuất Ban soạn thảo cần bổ sung các trường hợp mà các NHTM được loại trừ trách nhiệm, thống nhất với quy định của pháp luật về ngân hàng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng lưu ý, NHTM không phải là cánh tay nối dài của cơ quan thuế, không thụ hưởng ngân sách, nên không có nghĩa vụ phải phối hợp với cơ quan thuế làm nhiều việc về quản lý thuế.

TS. Phan Minh Ngọc - chuyên gia tài chính chia sẻ, NHTM chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch (nếu có) giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, chứ không thể và cũng không có tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế. Bởi trách nhiệm và thẩm quyền tính thuế, bắt nộp thuế là của cơ quan thuế và cơ quan chức năng liên quan, chứ không phải của NHTM.

Theo vị này, chỉ có thể quy định trong một số trường hợp cụ thể, khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng (như cơ quan thuế, hoặc tòa án...), NHTM có trách nhiệm và có quyền thực hiện việc này.

Tại văn bản trả lời về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), NHNN khẳng định: Quản lý thuế là chức năng của ngành thuế nên việc quy trách nhiệm cho NHTM là không phù hợp. Cụ thể, NHNN cho biết, việc quy định thêm trách nhiệm phối hợp trong quản lý thuế là không phù hợp với chức năng và các mục tiêu của NHNN. Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, NHNN chưa thấy có quốc gia nào có quy định tương tự đối với ngân hàng trung ương.

Văn bản của NHNN nêu rõ: Việc phối hợp thu thuế, thu khác thuộc ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa NHTM và cơ quan thuế. Trong quan hệ phối hợp thu này thì NHTM là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan tài khoản của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, xử lý, đối soát dữ liệu, truyền nhận thông tin, hỗ trợ người nộp thuế… quy định tại khoản này phải do NHTM và cơ quan thuế thỏa thuận.

Về việc ngành thuế đề xuất NHTM tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế mà không được sự đồng ý của khách hàng, NHNN cho biết, nếu làm điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và không phù hợp với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Cũng trong văn bản trả lời Bộ Tài chính, NHNN lưu ý: Pháp luật hiện hành quy định, NHTM chỉ được cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

"Việc định kỳ cung cấp thông tin tài khoản, cung cấp thông tin của người nộp thuế quy định tại khoản này có phạm vi quá rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định trong quá trình thực thi, đồng thời không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14, Luật Các TCTD", NHNN nêu rõ.

Theo Ngọc Khanh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên