Ngân hàng không thiếu vốn cho vay
Các ngân hàng thương mại khẳng định nguồn vốn hiện rất dồi dào, sẵn sàng cho vay với các doanh nghiệp đủ điều kiện, có phương án khả thi.
- 02-07-2020Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu thử nghiệm cho vay ngang hàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn
- 27-06-2020Ngân hàng Quân đội MB tổ chức đại hội cổ đông, thông qua phương án tăng vốn điều lệ
- 25-06-2020“Báo động” giải ngân vốn vay nước ngoài
Hội nghị Kết nối hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND TP HCM tổ chức diễn ra ngày 2-7. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang có nhiều giải pháp, kịch bản giúp đỡ DN sớm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có chương trình Kết nối NH và DN. Thời gian qua, TP đã lập Tổ hỗ trợ DN và sẽ tiếp nhận những phản ánh của DN để cùng tháo gỡ.
Đã hỗ trợ 87.638 tỉ đồng
Hiện nhiều DN bị thiệt hại đang tìm cách gượng dậy để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngành NH trên địa bàn TP đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN nhằm duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất - kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng DN vượt khó, phục hồi và tăng trưởng.
Cùng với chương trình Kết nối NH và DN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN qua 3 kênh như: đối thoại với DN; xử lý trực tiếp danh sách nhu cầu, yêu cầu của DN từ quận, huyện, sở - ngành và hiệp hội DN gửi đến; tham gia Tổ hỗ trợ DN của UBND TP… Theo ông Minh, đã có 16 NH thương mại tham gia hỗ trợ 17.215 khách hàng là DN, tổ chức và cá nhân với tổng số tiền 87.638 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP HCM, nhìn nhận chương trình Kết nối NH và DN được triển khai sẽ tạo điều kiện, cung ứng nguồn vốn hỗ trợ việc phục hồi của DN. Các DN mong nhận được sự hỗ trợ của NH thương mại trong việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp hoặc cho vay với lãi suất 0% để trả lương giữ chân người lao động.
Rất nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ghi nhận, hiện nhiều DN đang có nhu cầu vay vốn lưu động ngắn hạn để tiếp tục duy trì dòng tiền bị thiếu hụt; vay vốn trung dài hạn để kết hợp đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, tái cấu trúc DN; vay vốn trung dài hạn để chuyển đổi số, ứng dụng quản trị thông minh, giảm chi phí… "Nếu được vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn đơn giản để DN nhận được hỗ trợ ngay và cùng một lúc sẽ góp phần hỗ trợ rất lớn cho DN. Kiến nghị NHNN khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở pháp lý thực hiện khoanh giãn nợ, cơ cấu lại khoản vay cũ của DN" - ông Nguyễn Phước Hưng đề xuất.
Cạnh tranh tìm khách vay
Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội DN TP cũng cho hay không nhiều DN tiếp cận được chính sách vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Do đó, DN kiến nghị các chính sách, điều kiện hỗ trợ cần thông báo rộng rãi để đối tượng thụ hưởng tự xác định; cho phép DN tự cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện tiêu chí, điều kiện quy định khi thụ hưởng các quyền lợi được hỗ trợ.
Trước ý kiến về việc vay vốn NH vẫn khó, lãnh đạo một số NH thương mại khẳng định hiện dòng vốn từ NH rất dồi dào và cam kết luôn đáp ứng đủ mọi nhu cầu vốn, nếu DN đáp ứng được điều kiện tín dụng. Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), phân tích vay vốn NH vẫn khó là câu chuyện nhiều năm trước, còn hiện tại, các NH đang "tranh nhau" khách hàng tốt. DN nói khó tiếp cận vốn không hẳn đúng mà quan trọng là DN vay vốn để triển khai dự án đó có tốt, khả thi, phương án kinh doanh có hiệu quả không?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định ngành NH sẽ hoạt động theo cơ chế đồng hành, chia sẻ và chủ động đến với DN chứ không còn cơ chế xin - cho trong quan hệ tín dụng và cũng không giảm điều kiện tín dụng (không hạ chuẩn cho vay). Thực tế, các NH đang cạnh tranh nhau trong tìm kiếm khách hàng tốt. Những quy định của tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn để DN tiếp cận được vốn dễ dàng nhưng vẫn bảo đảm về an toàn, chất lượng tín dụng; quy định thông thoáng để đánh giá được khó khăn của DN phù hợp thực tế và hỗ trợ được họ.
Sẽ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng
Đến nay, tăng trưởng tín dụng cả nước khoảng 2,8% trong khi tại TP HCM mức tăng trưởng tín dụng chỉ 2,52%, cho thấy một số DN vẫn chưa có nhu cầu vay, chưa thể mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh... Trong khi một số NH tăng trưởng tín dụng thấp thì có những NH lại cho vay đạt mức cao. Do đó, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ chỉ đạo để tổ chức tín dụng mạnh dạn bơm vốn ra thị trường nhiều hơn, sẽ nới room (hạn mức) tín dụng cho các NH thương mại theo tình hình của từng đơn vị.
Người lao động