Ngân hàng lo khó tăng tín dụng
Dù từ đầu tháng 5 đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục đua nhau giảm lãi suất huy động. Từ đó, lãi suất cho vay giảm nhưng nhiều ngân hàng lo lắng, dù lãi suất cho vay giảm nhưng kinh tế khó khăn nên khó tăng trưởng tín dụng.
- 31-05-2023ĐBQH đề nghị NHNN giao tổng room tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm
- 30-05-2023Nhu cầu vay vốn sụt giảm, ngân hàng lo “ế" tiền huy động lãi suất cao
- 29-05-2023Ngân hàng gồng mình vì lãi suất, nợ xấu, tín dụng khó tăng vì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn rất thấp.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 mới đạt 2,72% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023.
Thậm chí, nếu so với mức tăng trưởng đạt được vào cuối tháng 4 là 2,75% thì quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đang có xu hướng thu hẹp.
Theo lý giải của đại diện NHNN, tăng trưởng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi ba động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu suy yếu, giải ngân đầu tư công chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án) khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Đồng quan điểm với NHNN, một lãnh đạo Vietcombank cho rằng, việc giảm lãi suất là thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, khó khăn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. "Dù giảm lãi suất nhưng dư nợ tín dụng chưa chắc đã tăng", vị này nói.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, từ đầu năm, khó khăn về xử lý đất đai ảnh hưởng dự án được cấp mới nên cho vay giảm. Theo tính toán, Vietcombank có dư nợ cho vay các dự án trung dài hạn (thể hiện tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế) giảm từ nay đến cuối năm.
Còn đại diện ngân hàng OCB nhận định nhu cầu tín dụng yếu do cả doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ đều chứng kiến xu hướng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng tiêu dùng của người dân cũng đi xuống thể hiện qua chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Cộng hưởng với đợt tăng lãi suất mạnh cuối năm ngoái khiến cho giá cả tín dụng tăng, qua đó làm giảm nhu cầu tín dụng.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng hồi cuối tháng 4, lãnh đạo các ngân hàng lớn cũng cho rằng nguyên tín dụng tăng trưởng thấp đến từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng, những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước.
Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều Ngân hàng Trung ương vẫn duy trì chính sách lãi suất cao, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể:
Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Tiền phong