MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước bảo lưu quan điểm không công nhận tiền ảo Bitcoin

24-08-2017 - 20:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Hiện, dư luận rộ lên ý kiến, hình thức tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam thừa nhận và sớm chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước- cơ quan quản lý về tiền tệ lại khác.

Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.

Cách đây 3 năm đã không thừa nhận

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

Tại thời điểm cách đây 3 năm, đại diện NHNN từng lên tiếng cho biết: Ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, NHNN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. “ Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế”, đại diện NHNN khi đó cho hay.

Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Quan điểm này NHNN đã tuyên bố ngay từ ngày 27/2/2014.

Tiền ảo khác tiền điện tử

Trao đổi với Tiền Phong ngày 24/8, một lãnh đạo Vụ Ngân hàng Nhà nước cho biết đây mới là Đề án Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu khung pháp lý nên hiện chưa nói được gì nhiều. “Vấn đề này thuộc Bộ Tư pháp được giao làm, khi nào bên đó xây dựng và lấy ý kiến chúng tôi mới có ý kiến. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên là không công nhận các loại tiền ảo - ví như bitcoin. Hiện, mọi người đang có xu hướng lẫn lộn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Về bản chất tiền điện tử chính là tiền thật nhưng được các ngân hàng giao dịch thanh toán qua mạng nên gọi là điện tử. Còn tiền ảo, tài sản ảo là không hề có thật”, vị này nói.

Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.

Hiện, Đề án nghiên cứu quản lý tiền ảo này được ban hành, theo nhiều chuyên gia, đặc biệt trong giới ngân hàng và Fintech, thể hiện sự cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề về tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế của toàn cầu..

Mặc dù vậy, bình luận với Tiền phong, một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực thanh toán chia sẻ rằng cần phải nghiên cứu thấu đáo. Theo vị này giả như nếu công nhận Bitcoin là tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước mới quản lý được (chẳng hạn như cho phép trong giới hạn hoặc là cấm).

Theo Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên