Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu: Thanh khoản dư thừa
Chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước vừa phát hành thành công thêm 10.000 tỷ tín phiếu.
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước đẩy tín phiếu ra thị trường, sau khoảng 6 tháng không thực hiện nghiệp vụ này. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu phiên hôm qua còn thấp hơn hôm 21/9, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước phát hành thành công 10.000 tỷ tín phiếu thông qua hình thức đấu thầu, kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu 0,5%/năm, tức chỉ bằng một nửa lãi suất các ngân hàng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, xung quanh 0,9 - 1%/năm. Thậm chí, thấp hơn mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hôm 21/9 là 0,69%/năm.
Ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định: "Theo tôi quan sát các mức lãi suất cả trên thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường 1 đều ổn định. Và có một điểm cần lưu ý cơ chế phát hành tín phiếu là cơ chế đấu thầu lãi suất và mức lãi suất trúng thầu vẫn thấp hơn mức lãi suất đang giao dịch ở cùng kỳ hạn 1 tháng. Cho nên tôi nghĩ là việc Ngân hàng Nhà nước điều tiết thanh khoản là cần thiết và cũng không muốn tác động quá lớn tới mặt bằng lãi suất trên thị trường".
Ngay sau cuộc họp của FED với việc điều chỉnh dự báo lãi suất FED FUND tại Mỹ trong dài hạn có thể tiếp tục neo ở mức cao và giảm chậm hơn thì việc Ngân hàng Nhà nước, thông qua động thái phát hành tín phiếu ở quy mô nhỏ, hút tiền về, được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá…
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam đi ngược chiều các nền kinh tế lớn mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm kể từ đầu năm. Hiện lãi suất gần tương đương mặt bằng thấp giai đoạn trước COVID-19.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank đánh giá: "Theo chúng tôi quan sát thì Ngân hàng Nhà nước chọn quy mô vừa phải, không quá lớn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dư, vẫn đủ. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cân đo đong đếm và có những quan sát rất kỹ để có can thiệp từng bước phù hợp làm sao đạt được việc duy tri được mục tiêu tỷ giá và làm sao không gây gián đoạn về thanh khoản đối với tổng nền kinh tế nói chung và giữ được mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm dần để hỗ trợ cho nền kinh tế".
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản dư thừa, giới tài chính cho rằng Ngân hàng Nhà nước đủ các công cụ trong tay để giữ tỷ giá ổn định trong biên độ 3% như mục tiêu đề ra đầu năm.
vtv.vn