MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nội "đua" lãi suất huy động, các ngân hàng ngoại ở Việt Nam thì thế nào?

20-09-2019 - 16:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Tương tự như hệ thống 35 ngân hàng nội, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam đang có sự phân hóa mạnh mẽ, thậm chí còn chênh lệch tới 5%/năm ở các kỳ hạn dài.

Tại Việt Nam đang có 9 ngân hàng 100% vốn ngoại (HSBC, Shinhan Bank, Woori Bank, Standard Chartered Bank, ANZ, UOB, Hong Leong, Public Bank, CIMB) và 2 ngân hàng liên doanh nước ngoài (Indovina Bank, Vietnam - Russia Bank). Trong đó, nhiều ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất không hề kém cạnh tranh với các ngân hàng tư nhân của Việt Nam.

Chẳng hạn, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là Public Bank (Malaysia) đang niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 8%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, cao hơn nhiều so với khoảng 10 ngân hàng nội.

Hay ngân hàng liên doanh Indovina Bank cũng niêm yết ở mức khá cao là 7,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng. Chưa kể nhà băng này đang triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng cá nhân gửi tiền. Theo đó, cứ mỗi 20 triệu đồng tiền gửi mới hoặc tái tục với kỳ hạn 1 tháng, khách hàng sẽ được nhận thẻ cào may mắn, giải thưởng bao gồm tiền mặt từ 20 nghìn đồng đến 5 triệu đồng và các quà tặng hiện vật như vali du lịch, túi xách,..

Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) có lãi suất cao nhất là 7,7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí, tại VRB, lãi suất 6 tháng được niêm yết tới 7,3%/năm, cao hơn đại bộ phận các ngân hàng nội.

Trong khi những ngân hàng trên có lãi suất rất cạnh tranh với các ngân hàng nội thì một số khác niêm yết lãi suất rất thấp, còn thấp hơn rất nhiều so với Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV.

Thấp nhất là ngân hàng HSBC Việt Nam, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại nhà băng này là 0,5%/năm, chỉ tương đương với lãi suất tiền gửi thanh toán của các ngân hàng tư nhân nội địa. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng lần lượt là 1,25%/năm và 1,75%/năm. Cao nhất là 2,75%/năm với kỳ hạn từ 1 năm trở đi.

Hay tại một ngân hàng từ phương Tây khác là Standard Charted Bank, lãi suất cao nhất cũng chỉ là 3,02%/năm, kỳ hạn 36 tháng.

Ngân hàng nội đua lãi suất huy động, các ngân hàng ngoại ở Việt Nam thì thế nào? - Ảnh 1.

Lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam

Quan sát cho thấy, lãi suất tại các ngân hàng ngoại, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam hầu hết được giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, một số có tăng khá mạnh như Woori Bank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 4,5% lên 5,3%/năm, tức tăng tới 0,8 điểm phần trăm.

Trên thực tế, nhiều năm nay, hầu hết các ngân hàng ngoại đều có mức lãi suất thấp hẳn so với các ngân hàng nội. Cạnh tranh về giá dường như không phải là chiến lược trọng tâm của các họ khi không chỉ lãi suất huy động thấp mà nhiều loại phí dịch vụ, đặc biệt cho khách VIP cao hơn hẳn mặt bằng chung các ngân hàng nội. 

Tất nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược kinh doanh riêng dẫn đến những nhu cầu về vốn huy động cũng khác nhau. Một số sẽ tiếp tục tập trung cho những thế mạnh vốn có như thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, quản lý tài sản,…nhưng cũng có những ngân hàng muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ ở Việt Nam.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên