Ngân hàng siết nợ nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn
Dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến ngành vận tải du lịch, nhà hàng, khách sạn gần như đóng băng vì không có khách. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
- 26-07-2022Loạt doanh nghiệp thép có nợ xấu tại ngân hàng
- 24-07-2022Cảnh báo nợ xấu "vây" ngân hàng
- 22-07-2022Nguy cơ nợ xấu bất động sản gia tăng trong năm 2023
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VietinBank Thừa Thiên Huế) cho biết đang tiến hành các thủ tục bán khoản nợ của Công ty TNHH Doanh Ngân. Theo VietinBank, tổng dư nợ khách hàng tính đến ngày 19/5/2022 là hơn 178 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc hơn 60 tỷ và nợ lãi là gần 118 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên là Quyền sử dụng đất và công trình khách sạn gắn liền với đất tại số 16 Nguyễn Thái Học, Phú Hội, TP. Huế.
Theo tìm hiểu, tọa lạc tại địa chỉ trên là khách sạn 4 sao có tên Romance. Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức nào mua lại khoản nợ của VietinBank sẽ có quyền xử lý tài sản bảo đảm này.
Trước đó hồi tháng 5, VietinBank cũng rao bán khoản nợ hơn 36 tỷ đồng của Công ty TNHH CoCo City Tour. Trong đó, dư nợ gốc là 26,9 tỷ đồng, nợ lãi 9,4 tỷ đồng (lãi trong hạn 8,7 tỷ đồng, lãi phạt chậm trả 703 triệu đồng).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh tại thửa đất số 39 tờ bản đồ số 11 (Khách sạn Cây Thông). Khách sạn này có địa chỉ tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích 1.250 m2, thời hạn sử dụng lâu dài theo hợp đồng thế chấp từ năm 2018. Ngoài ra, khoản nợ này còn được đảm bảo bởi 16 xe buýt mui trần (1 tầng và 2 tầng) thương hiệu THACO, động cơ HINO.
Công ty TNHH Coco City tour là công ty thành viên của Tập đoàn Empire, chủ đầu tư Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và căn hộ khách sạn cao cấp Cocobay Đà Nẵng.
Năm 2017, Tập đoàn Empire thông qua Công ty TNHH Coco City tour vận hành khai thác thử nghiệm 16 xe buýt mui trần có tên "Coco City tour" phục vụ du lịch tại Đà Nẵng. Đây là hệ thống xe buýt mui trần đầu tiên được đưa vào vận hành, khai thác tại Việt Nam.
Mới đây, Sacombank cũng rao bán khoản nợ hơn 198 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP. HCM.
Hồi tháng 4, SHB thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Nữ Hoàng tại chi nhánh SHB Hoàn Kiếm. Khoản nợ được thế chấp bằng 6 xe ô tô phục vụ việc vận tải hành khách gồm: 4 ô tô giường nằm 22 – 40 chỗ nằm hiệu Thaco và 2 ô tô khách hiệu SAMCO 29 chỗ ngồi. Tổng giá trị tài sản bảo đảm là gần 18,3 tỷ. Trong đó, 4 xe giường nằm có giá trị bảo đảm 3,5 – 4,05 tỷ đồng; 2 xe ô tô khách có giá trị gần 1,7 tỷ
Vietcombank cũng nhiều lần rao bán tài sản đảm bảo là khách sạn Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An- Đà Nẵng để thu hồi nợ.
Khách sạn này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm gần nhất 74,3 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng từng rao bán khách sạn này với giá 100 tỷ đồng hồi cuối năm 2019 rồi giảm mạnh xuống 81 tỷ vào tháng 6/2020 và tiếp tục xuống 79 tỷ đồng tháng 9/2020. Như vậy, so với lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm đã giảm tới 26%.
Theo giới chuyên môn, dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch, nhà hàng, khách sạn gần như đóng cửa vì không có khách. Không có doanh thu, không có dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Hoạt động du lịch dù đã được nối sau hơn hai năm tê liệt nhưng các doanh nghiệp lại phải đối mặt cơn “bão giá” hoành hành. Mọi chi phí đầu vào đều tăng cao đang khiến nhiều hãng du lịch lữ hành chật vật. Do vậy, dù được ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, song nhiều doanh nghiệp hết thời hạn cơ cấu lại mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ nên đành để ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo.