Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong quá trình phục hồi hậu Covid-19!
Chiều 21/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên cho thấy, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
- 09-12-2020Ngân hàng Thế giới: Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn có nguy cơ bị đọng nợ
- 21-11-2020Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đã chiến thắng Covid-19, vậy tại sao không thể là nhà vô địch về phục hồi xanh?
- 23-10-2020Ngân hàng Thế giới: Lũ lụt có nguy cơ 'cuốn' đi hơn 850 triệu USD tăng trưởng kinh tế Việt Nam mỗi năm
Phát biểu tại hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19 khi so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Các biện pháp được đưa ra nhanh chóng và kịp thời đã giúp nền kinh tế quay lại giai đoạn phục hồi một cách nhanh chóng.
"Liên quan đến giai đoạn phục hồi kinh tế, để làm cho giai đoạn này phục hồi một cách bền vững, chúng tôi tin rằng Chính phủ có thể áp dụng những chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi xanh nhất có thể.
Đặc biệt, phục hồi bền vững sẽ góp phần xây dựng khả năng phục hồi bền bỉ trước những tổn thương về mặt môi trường cũng như khí hậu cũng như tạo dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, phục hồi xanh cũng giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội về tăng trưởng thông qua mở rộng cơ hội mới, mở ra những cánh cửa để tạo việc làm", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Theo bà Carolyn, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong quá trình phục hồi sau Covid-19, Việt Nam có cơ hội để đi trên con đường phát triển nhanh hơn, thông minh hơn và đảm bảo bao trùm hơn, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai.
"Chúng tôi cho rằng chi phí của việc buông xuôi, không hành động đã rất rõ ràng và càng ngày càng trở nên không thể đảo ngược trong những thập kỷ tới", Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.
Đại diện WB tại Việt Nam cho hay, những cơn bão nhiệt đới gần đây ở vùng miền Trung Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn là những ví dụ minh hoạ cho sự mong manh, dễ bị tổn thương nếu như không thực hiện phục hồi bền vững.
"Mục tiêu của việc phát triển kinh tế là phải tạo ra của cải, và đồng thời không làm huỷ hoại những của cải đã tạo ra", bà Carolyn nhận định.
Cuối cùng, bà kết luận: "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. WB đã đưa ra một cái nhìn chi tiết về một bộ công cụ chính sách có thể giúp Việt Nam có thể tăng trưởng và đạt được những chỉ tiêu về khí hậu cả trong ngắn và trung hạn".
Cụ thể, báo cáo đã đưa ra hai bài học qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. Thứ nhất, cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết.
Thứ hai, ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể. Đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.