Ngân hàng tiếp tục lãi lớn (*): Còn dư địa ổn định lãi vay
Dù đối mặt sức ép từ lượng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, tỉ giá tăng, phải duy trì ổn định lãi suất cho vay... nhưng ngành ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng trong trung và dài hạn.
- 24-09-2022Giảm chi phí để ổn định lãi vay
- 21-09-2022Giải pháp nào để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay?
- 08-05-2022Giữ ổn định lãi suất cho vay
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 18-10, VN-Index tăng 12,08 điểm, lên 1.063,66 điểm - tăng 1,15% so với cuối tuần trước. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng (NH) có thêm một phiên hồi phục sau khi thị trường rơi xuống vùng đáy dưới 1.000 điểm do bị bán tháo quá mức trước những thông tin tiêu cực thời gian qua.
Lợi nhuận khả quan hỗ trợ giá cổ phiếu
Tính đến phiên ngày 18-10, cổ phiếu các NH Vietcombank, ACB, MSB, MB Bank, Techcombank, SHB, VIB... đã hồi phục 8%-22% từ vùng "đáy" của tuần trước với dòng tiền tăng tích cực. Ngành NH cũng vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu mua trở lại cổ phiếu NH.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành NH từ đầu năm đến nay đã giảm sâu, nhiều mã giảm chỉ còn một nửa thị giá. Ví dụ, TCB (Techcombank) giảm từ 52.000 đồng hồi đầu năm xuống 25.300 đồng/cổ phiếu, VCB giảm từ 82.000 đồng xuống 66.700 đồng/cổ phiếu, OCB giảm từ 27.000 đồng xuống quanh mức 13.500 đồng/cổ phiếu...
Theo các chuyên gia chứng khoán, thanh khoản nhóm NH đã cải thiện đáng kể và ghi nhận sự tham gia của dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, trong tuần từ ngày 10 đến 15-10, khối ngoại đã mua ròng cổ phiếu NH trở lại với tổng giá trị 2.763 tỉ đồng.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng hồi phục nhờ tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh quý III/2022 của lĩnh vực này Ảnh: BÌNH AN
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận định sự chú ý của thị trường đang phần nào dịch chuyển sang thông tin liên quan kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp (DN) niêm yết với bức tranh tích cực trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, trong đó có ngành NH. Lợi nhuận khả quan trong 9 tháng và dự kiến cả năm 2022 là một trong những yếu tố hỗ trợ cổ phiếu NH phục hồi, kích thích nhà đầu tư tham gia.
Tuy nhiên, tại báo cáo chiến lược tháng 10-2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ qua động thái tăng lãi suất điều hành của NH Nhà nước sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng. Xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại và đang tiếp tục nhích lên từ đầu tháng 10 có thể khiến biên lợi nhuận ròng của các NH thu hẹp trong bối cảnh phải duy trì lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ DN và nền kinh tế đang phục hồi.
"Các NH thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động từ giữa năm 2022 nên ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên biên lợi nhuận ròng sẽ không quá tiêu cực. Song, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay, gây rủi ro gia tăng nợ xấu" - các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset phân tích.
Ngoài ra, khối lượng trái phiếu DN sẽ đến hạn trong thời gian tới cũng là sức ép lên các NH thương mại. Theo số liệu của FiinRatings, dư nợ trái phiếu tính đến cuối tháng 9-2022 đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021.
Thực hiện 2 định hướng
Một cán bộ chủ chốt của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng lãi suất tăng cao khiến nhiều NH thương mại rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Bởi lẽ, lãi suất cho vay lưu động thời hạn dưới 1 tháng đang ở mức 9%-10%/năm, còn lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 12 tháng đến 20 năm ở khoảng 13%/năm. Các mức lãi suất này không còn thấp nên từ nay đến cuối năm, các NH không dám tăng thêm lãi suất, thậm chí chấp nhận giảm thu nhập từ hoạt động cho vay, để hạn chế tỉ lệ nợ xấu tăng.
"Từ ngày 30-6, sau khi hết thời hạn cơ cấu lại nợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều khoản vay đã trở thành nợ xấu. Các NH phải dùng lợi nhuận để trích lập 100% dự phòng cho những khoản vay này. Hiện nay, các NH đều xem xét cẩn trọng khách hàng vay vốn vì với lãi suất cao, nếu DN sử dụng vốn vay không hiệu quả thì có thể làm nợ xấu NH tăng lên" - đại diện Vietcombank phân tích.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho hay Sacombank sẽ cân đối tăng trưởng huy động - cho vay, tập trung kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh; đồng thời quản trị lãi suất phù hợp để vừa bảo đảm an toàn vừa gia tăng hiệu quả. Thời gian qua, Sacombank chỉ tăng nhẹ lãi suất huy động để giữ chân khách hàng, không đua theo làn sóng tăng mạnh của thị trường nên có điều kiện để giữ ổn định lãi suất cho vay.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, có 2 định hướng mà NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện, đó là tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất gắn với giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận và tập trung thực hiện tốt chương trình tín dụng hỗ trợ DN, như: giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất, chương trình tín dụng ưu đãi cho một số ngành động lực...
Lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM kỳ vọng những giải pháp này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho DN cũng như giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm sản xuất cuối năm.
Giảm sức ép lên lãi suất
NH Nhà nước vừa điều chỉnh biên độ tỉ giá từ 3% lên 5%. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank, trong 7 năm qua, đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nới biên độ giao dịch. Sự kết hợp của việc bán ngoại hối dự trữ, tăng lãi suất điều hành và tăng tỉ giá có kiểm soát giúp ổn định môi trường vĩ mô.
"NH Nhà nước sẽ duy trì lãi suất cho đến hết năm nay do việc nới rộng biên độ tỉ giá làm giảm sự cần thiết phải tăng lãi suất trong ngắn hạn để ngăn chặn áp lực tỉ giá" - ông Brian Lee, chuyên gia kinh tế của Maybank Investment Bank, dự báo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10
Người lao động