MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tuần qua: Chủ tịch Techcombank nói về giá trị TCB, ĐHCĐ ngân hàng 'nóng' chuyện sáp nhập, cổ tức

23-04-2023 - 22:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Chủ tịch Techcombank nói về giá trị TCB, ĐHCĐ ngân hàng 'nóng' chuyện sáp nhập, cổ tức

Tuần qua, nhiều ngân hàng lớn đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đây, lãnh đạo các ngân hàng đã trả lời cho cổ đông nhiều câu hỏi liên quan đến cổ phiếu, cổ tức và các vấn đề nóng khác.

Thủ tướng yêu cầu NHNN ban hành ngay 2 thông tư quan trọng

Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành hai thông tư quan trọng gồm Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN.

Về dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp, đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

NHNN cũng được yêu cầu trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.

Cổ đông Techcombank chất vấn loạt câu hỏi "nóng" về trái phiếu, BĐS, cổ phiếu

Sáng ngày 22/4/2023, Techcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Năm nay, Techcombank là ngân hàng đầu tiên năm nay trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận đi lùi (giảm 14% so với năm 2022, đạt 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất).

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, trước khi trình ĐHĐCĐ, ngân hàng đã đưa ra nhiều phương án: 28.000 tỷ, 22.000 tỷ và có thể thấp hơn. Sau đó, Ban lãnh đạo ngân hàng đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất.

“Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn”, Chủ tịch Techcombank kỳ vọng.

Nhiều cổ đông bày tỏ về việc ngân hàng 12 năm liên tiếp không chia cổ tức và đề nghị chia cổ tức tiền mặt. Về vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh, cho biết, cổ tức có 2 phần, là chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Đối với chia cổ tức bằng cổ phiếu, năm 2017, Techcombank đã thực hiện chia với tỷ lệ tới 200%. Ông cho rằng phương án này chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Khi trả cố tức theo hình thức này, cổ đông vẫn sẽ phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân khi bán cổ phiếu.

Chủ tịch Techcombank cũng cho biết, tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT ngân hàng đã trình kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó bổ sung hơn 32 nghìn tỷ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn.

Về cổ tức tiền mặt, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị. “Tôi từng nói với năm 2013 là 10 năm sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay vừa đúng năm thứ 10, tôi chưa thể nói gì sắp tới, nhưng mọi việc có thể xem xét”. Ông Hùng Anh nhấn mạnh, quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động hiệu quả. Đối với các quyền lợi của cổ đông, như cổ tức, giá cổ phiếu, ngân hàng vẫn luôn quan tâm, xem xét.

Nói về định giá hiện tại của cổ phiếu TCB, ông nói: “Tôi cũng quan tâm tới giá cổ phiếu TCB, nhưng tôi quan tâm hơn tới giá trị phát triển của tổ chức. Tôi luôn tin rằng giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5, gấp 10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn, không có gì phải suy nghĩ. Còn nếu đầu tư ngắn hạn, đó không phải là sở trường của tôi”.

Một cổ đông Techcombank cho rằng, giá cổ phiếu TCB đã giảm một nửa, ngân hàng nên thực hiện mua cổ phiếu quỹ. Chủ tịch Techcombank cũng chia sẻ vừa qua HĐQT ngân hàng cũng đã có ý định này. Tuy nhiên, vừa qua khi làm việc với Bộ Tài chính, NHNN thì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn, mà đang hoàn thiện. Do đó, ngân hàng sẽ đợi thông tin hướng dẫn chính thức, sau đó sẽ xem xét tiếp kế hoạch này.

Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã trả lời cổ đông về các vấn đề liên quan đến trái phiếu và cho vay bất động sản.

Cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác

Chiều 21/4/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo kết quả biểu quyết, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập, thấp hơn mức 65% theo quy định. Do đó, tờ trình này không được Đại hội cổ đông thông qua.

Trước đó, theo tờ trình đại hội, Ban lãnh đạo MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng.

Tờ trình cũng cho biết, dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Tại Đại hội, cổ đông MSB cũng chất vấn ban lãnh đạo về vấn đề nóng như cổ tức và kết quả kinh doanh quý I.

VPBank dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp kể từ năm nay

Ngày 18/4, VPBank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trong quý I/2023, lợi nhuận của ngân hàng mẹ chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, nguyên nhân là trong kỳ, ngân hàng trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng. Chưa kể, FE Credit vẫn còn khó khăn, ghi nhận lỗ trong quý I/2023.

“Với 4.000 tỷ lợi nhuận đạt được, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường, nhưng với tăng trưởng tới đây thì mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.”, ông Vinh cho biết.

ĐHĐCĐ VPBank năm 2023 đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt 10% năm nay sau một thời gian dài liên tục nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay: “Trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026, chúng tôi đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Với nền tảng chúng ta có được, VPBank sẽ duy trì tăng trưởng cao và đủ dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông”.

Với thương vụ bán 15% vốn cho SMBC, Chủ tịch VPBank cho biết ngân hàng đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, tương đương hơn 3.590 tỷ đồng. Còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ, dự kiến sẽ kéo dài 2 - 3 tháng. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn tất thương vụ, khi đó đối tác sẽ chuyển tiền vào.

Vietcombank lãi 11.200 tỷ trong quý I, dự kiến trả cổ tức 18,1% trong tháng 5

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông Vietcombank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022.

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Vietcombank cho biết, đến hết quý I, lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.050 tỷ đồng, hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kết hoạch năm 2023.

Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra.

Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Hiện nay, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng. Trong đó, kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, VCB sẽ hoàn thành việc tăng vốn theo chương trình này.

VietinBank muốn tăng vốn lên 66.000 tỷ đồng

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VietinBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản năm 2023 tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách tín dụng của NHNN trong từng thời kỳ.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế chưa có con số cụ thể mà sẽ theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cổ đông VietinBank cũng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.

Tại Đại hội, banh lãnh đạo cũng đã trả lời cổ đông các vấn đề liên quan đến tình hình kinh doanh của ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh, NHNN hút ròng hơn 22.300 tỷ

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 – 95% giá trị giao dịch) trong phiên 20/4 đã giảm về còn 3,78%/năm. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng liên tục giảm trong 5 phiên giao dịch tuần qua từ mức cao 5,54% ghi nhận vào cuối tuần trước.

Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm xuống còn lần lượt 3,97%/năm, 4,53%/năm và 5,48%/năm. So với cuối tuần trước, lãi suất các kỳ hạn này đã giảm 0,35 – 1,67 điểm %.

Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh cho thấy thanh khoản hệ thống đã dồi dào hơn so với tuần trước.

Thực tế, trong tuần qua, NHNN chỉ phải cho hệ thống vay mới gần 7.300 tỷ, trong khi các ngân hàng trả về gần 29.600 tỷ khi các khoản vay cũ đáo hạn. Tính chung, Nhà điều hành đã rút ròng hơn 22.300 tỷ qua kênh OMO trong tuần qua. Con số này trái ngược so với mức bơm ròng gần 65.800 tỷ trong tuần trước.

Lãi suất huy động trong tuần qua khá ổn định, chỉ có một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm như NCB, VietCapitalBank, Oceanbank, Kienlongbank,… Theo chuyên gia, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể sẽ giảm xuống 7,0% trong năm 2023.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên