MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tuần qua: NHNN quyết liệt hạ lãi suất, công ty tài chính lo lắng vì khách hàng rủ nhau bùng nợ

28-05-2023 - 20:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: NHNN quyết liệt hạ lãi suất, công ty tài chính lo lắng vì khách hàng rủ nhau bùng nợ

NHNN giảm lãi suất điều hành, ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay, công ty tài chính "khốn đốn" vì khách hàng vin vào việc công an kiểm tra hành chính để rủ nhau bùng nợ... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong chưa đầy 3 tháng

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm, áp dụng từ ngày 25/5.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân , Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này cũng đã điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.

"Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", NHNN nhấn mạnh.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Trong đó, hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5 – 4,8 điểm % như Ngân hàng Bản Việt, SeABank, LPBank, TPBank.

Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, một số ngân hàng cũng giảm thêm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Hiện nay, tại các kỳ hạn dưới 6 tháng, đa số các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động mức tối đa 5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại kỳ hạn 6 tháng, chỉ có vài ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trên 8%/năm là VietABank (8,3%), GPBank (8,3%), ABBank (8,2%), NCB (8,1%) và HDBank (8,1%). Nhìn chung các ngân hàng có lãi suất cao nhất đều là ngân hàng nhỏ.

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động cao nhất là 8,5%/năm, được áp dụng tại ngân hàng GPBank. Một số khác niêm yết trên mức 8%/năm có thể kể đến HDBank, OCB, ABBank, VIB, NCB,…

Tại các kỳ hạn trên 12 tháng, GPBank cũng đang là ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này, niêm yết 8,6%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online. Xếp sau là ABBank và VietCapitalBank cùng niêm yết 8,5%/năm.

Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay

Cùng với quyết định hạ lãi suất điều hành, ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tìm cách giảm lãi suất cho vay.

Sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ đầu tuần tới. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho biết, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại và đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay.

“Giảm lãi suất ở đây là cho khách hàng cũ chứ không phải khách hàng mới. Hiện nay, với khách hàng mới, các ngân hàng cũng đã cho vay với lãi suất thấp hơn rất nhiều rồi”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo vị Tổng giám đốc này, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đồng loạt giảm lãi suất cho khách hàng cũ và trong vài ngày tới, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất rất mạnh.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng nhận định: "Khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung".

Theo ông Lê Quang Vinh, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 đợt giảm lãi suất rất lớn. Đợt giảm lãi suất thứ nhất diễn ra từ 1/1 – 30/4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, Vietcombank đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cũng cho biết từ đầu năm đến nay, MB cũng đã đưa ra 120.000 tỷ đồng gồm các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian qua, MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ dành cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng, chủ yếu cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

“Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này thì MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới”, ông Ánh thông tin.

Công ty tài chính lo lắng vì khách hàng vin vào việc công an kiểm tra hành chính để rủ nhau bùng nợ

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tín dụng đen”.

VNBA cho biết, những tháng đầu năm 2023, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên cùng với việc gần đây xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước, được báo chi đưa tin dày đặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trị, nợ xấu tăng cao. Một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.

Tỷ lệ khách vay “không trả nợ” đang ngày càng cao, trong khi đó chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính. Đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao thời gian tới.

Nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính cũng bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiếu (bắt bớ, điều tra,…từ kiểm tra của cơ quan chức năng). Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình,…

Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa

Dù đón nhận thông tin tích cực khi NHNN giảm lãi suất điều hành, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn không có nhiều đột phá trong tuần qua.

Kết tuần, toàn ngành ghi nhận 9 mã tăng giá, 16 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu. Trong đó, không cổ phiếu nào biến động quá 4% ở cả hai chiều tăng và giảm giá.

Trong, EIB là mã diễn biến tích cực nhất khi tăng 2,6%. Bên cạnh đó, chỉ có ABB, LPB và BVB có mức tăng trên 1% trong tuần.

Ở chiều ngược lại, PGB là mã giảm nhiều nhất với mức -3,7%. Đồng thời, cả 3 cổ phiếu nhóm ngân hàng có vốn nhà nước là VCB, BID và CTG cũng kết tuần trong sắc đỏ với mức giảm 0,7 – 2,3%.

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tương đương tuần trước với 746 triệu cp được giao dịch, giá trị giao dịch tương ứng đạt 14.866 tỷ đồng.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên