Ngân hàng UBS khiến dân mạng sôi sục vì sử dụng cụm từ "con lợn Trung Quốc"
Lời bình luận của 1 chuyên gia kinh tế trưởng của UBS ngay lập tức đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ trên khắp các trang mạng xã hội ở Trung Quốc với cáo buộc UBS miệt thị người dân Trung Quốc.
- 06-06-2019Hết kinh tế giảm tốc lại đến chiến tranh thương mại, Trung Quốc giờ còn phải đối phó với lạm phát: Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng phải ngạc nhiên vì giá táo tăng quá cao
- 28-04-2019Anh nông dân chăn lợn Trung Quốc bỗng chốc trở thành "ngôi sao" mạng xã hội kiếm được gần 3000 USD mỗi tháng nhờ xu hướng live-stream
- 30-07-2018UBS: S&P 500 có thể sụt giảm 20% vì chiến tranh thương mại
Các môi giới chứng khoán người Trung Quốc ở Hồng Kông mới đây đã nổi giận trước lời bình luận của 1 chuyên viên cao cấp của ngân hàng UBS. Cơn giận dữ lớn đến nỗi UBS đã bị kêu gọi hãy sa thải tất cả những người có liên quan đến vụ việc và 1 công ty Trung Quốc quyết định cắt đứt quan hệ hợp tác với ngân hàng này.
Khi bàn về tình trạng giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng cao (chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi), chuyên gia kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS bình luận: "Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh ở lợn. Điều đó có quan trọng không? Quan trọng nếu bạn là 1 con lợn Trung Quốc, nếu bạn sống ở Trung Quốc và thích ăn thịt lợn".
Lời bình luận này ngay lập tức đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ trên khắp các trang mạng xã hội ở Trung Quốc với cáo buộc UBS miệt thị người dân Trung Quốc. Ít nhất 3 tài khoản hot đã dẫn lại các bài báo về báo cáo của UBS trên WeChat, thu hút hơn 10.000 lượt xem. Ảnh chụp màn hình báo cáo này cũng được phát tán nhanh chóng trên các nhóm chat.
Tờ Thời báo hoàn cầu viết trên Twitter: "Chuyên gia kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS đã sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc để phân tích về lạm phát ở Trung Quốc trong báo cáo mới đây".
Sau sự việc này, UBS và Donovan đã công khai xin lỗi, cho rằng đó là hành động "không cố ý". Tuy nhiên hiệp hội đại diện cho các định chế tài chính Trung Quốc tại Hồng Kông yêu cầu UBS phải đính chính và tiếp tục xin lỗi. Vài ngày sau công ty chứng khoán Haitong thông báo ngừng mọi hoạt động với UBS.
Căng thẳng thương mại khiến bầu không khí ở Trung Quốc trở nên khá nhạy cảm. Gần đây nhiều công ty phương Tây đã buộc phải xin lỗi vì vô tình vướng vào những vụ việc được coi là nhạy cảm trong văn hóa Trung Quốc.
Năm ngoái, Dolce & Gabbana phải hoãn show diễn ở Thượng Hải sau khi chuỗi video chứa hình ảnh 1 người mẫu Trung Quốc cố gắng ăn pizza và một số món Ý khác bằng đũa khiến người dân nước này nổi giận. Hãng xe sang Mercedes phải xin lỗi vì dẫn lời Dalai Lama trong 1 bài viết về Trung Quốc trên Instagram.
UBS là một trong những công ty đầu tiên của phố Wall hiện diện ở Trung Quốc và cũng là công ty nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc cho phép sở hữu cổ phần đa số trong 1 công ty chứng khoán liên doanh. Năm ngoái mảng kinh doanh ở Trung Quốc của UBS lỗ ròng 65,9 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,53 triệu USD).