MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng vật vã rao bán nợ của ông chủ đầu tiên của thời trang NEM, lần thứ 10 liệu có tìm được khách?

20-02-2022 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng vật vã rao bán nợ của ông chủ đầu tiên của thời trang NEM, lần thứ 10 liệu có tìm được khách?

BIDV rao bán đấu giá tài sản là khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với lô đất 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội; 3 triệu cổ phần (7,5%) của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM

Đáng chú ý, đây là lần thứ 10 BIDV thông báo bán đấu giá tài sản này sau 9 lần rao bán không thành trước đó.

Khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của Công ty Archplus tại BIDV bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ. Tổng dư nợ là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ  đồng, nợ lãi 173,812 tỷ đồng, phí phạt quá hạn: 67,254 tỷ đồng.

Mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 257 tỷ đồng, bằng đúng giá trị nợ gốc, mức giá khởi điểm không thay đổi so với những lần rao bán trước đó. Nếu bán thành công, BIDV coi như mất trắng toàn bộ số tiền lãi từ khoản nợ này.

BIDV cho hay, tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội; 3 triệu cổ phần (7,5% cổ phần) của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM; Bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.

Ông Trương Việt Bình là người đại diện theo pháp luật tại Công ty Archplus và cũng chính là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM (Công ty CP Thời trang NEM) vào năm 2002.

Tuy nhiên, sau khi bán lại 70% cổ phần của thời trang NEM cho Stripe International, công ty thời trang của Nhật Bản vào năm 2017, ông Trương Việt Bình chỉ còn nắm giữ 30% cổ phần tại công ty thời trang này.

Ngân hàng vật vã rao bán nợ của ông chủ đầu tiên của thời trang NEM, lần thứ 10 liệu có tìm được khách? - Ảnh 1.

Ông Trương Việt Bình từng một thời đưa NEM trở thành hãng thời trang có tiếng


Tưởng chừng được đối tác Nhật Bản “bơm” vốn, thời trang NEM sẽ mặc sức “bung lụa”, thế nhưng vào cuối năm 2017, NEM được nhắc đến vì nợ 1,729 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của 198 người lao động.

Năm 2018, Công ty CP Thời trang NEM từng bị Ngân hàng VietinBank siết nợ đối với khoản vay 111 tỷ đồng (gồm 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi). Tài sản bảo đảm của khoản vay này là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang quần, áo, đầm...) của NEM. Khoản nợ này sau đó được chuyển sang Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Ngoài khoản nợ của Công ty Archplus nói trên, BIDV cũng đang tìm người mua lại khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga (huyện Đức Hòa Đông, tỉnh Long An) do ông Đinh Thái Bình làm Giám đốc.

Khoản nợ của Thép Việt Nga có giá trị sổ sách lên đến 475 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 267 tỷ đồng. Ngày 15/2 vừa qua ngân hàng đã phải rao bán đến lần thứ 9 đối với khoản nợ này, cho dù khoản nợ có tài sản đảm bảo là những quyền sử dụng đất và nhà xưởng.

Công ty TNHH Thép Việt Nga được thành lập từ tháng 7/2006, hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán sắt thép, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Doanh nghiệp này là đơn vị nhập khẩu thép từ nhiều công ty trên thế giới… Công ty có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, do các cá nhân ông Đinh Thái Bình sở hữu 80% và Lê Thị Hương Giang nắm giữ 20%. Ông Đinh Thái Bình hiện cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga tại BIDV được hình thành trong giai đoạn 2014-2015. Năm 2016 công ty ghi nhận doanh thu bán hàng 639 tỷ đồng, nhưng kể từ đó đến nay tình hình kinh doanh của doanh nghiệp liên tục đi xuống. Doanh thu sụt giảm mạnh về mức 120 tỷ đồng và 150 tỷ đồng trong năm 2017 và 2018. Trong 3 năm 2016 - 2018, Công ty lỗ lần lượt 60 tỷ đồng, 10,1 tỷ đồng và 37 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Thép Việt Nga ở mức 638,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu tại thời điểm này đã âm 287,4 tỷ đồng.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên