Ngân sách từ nguồn thu đất đai tăng đáng kể 5 năm qua
Theo báo cáo vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà gửi đến Quốc hội, nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm.
Cụ thể: Năm 2015 là 84.810 tỉ đồng, năm 2016 là 115.290 tỉ đồng, năm 2017 là 104.400 tỉ đồng, năm 2018 là 121.400 tỉ đồng, năm 2019 đạt trên 191.500 tỉ đồng, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, giữ ổn định diện tích đất lúa để bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, trong đó giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa theo kết luận của Bộ Chính trị.
Về hạn chế, báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (như Sân bay Quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học,...) nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng, năm 2020 là năm cuối của thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chính phủ đang triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có nội dung tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Do đó, để đánh giá kết quả thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện Chính phủ sẽ tổng hợp trình Quốc hội khi đề xuất phương án Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.