Ngành cá tra đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu kéo dài
Ngành hàng cá tra Việt Nam bắt đầu hồi phục nửa đầu năm 2021, nhưng đến nay, do ảnh hưởng của dịch, mặt hàng này đang đối mặt nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu.
- 02-09-2021Hơn một nửa nhà máy cá tra phải đóng cửa
- 31-07-2021Đại gia cá tra kêu cứu vì lệnh dừng "3 tại chỗ"
- 26-07-2021Vì sao hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi EU?
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 15/9, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.516ha, bằng 74,3% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 7 và tháng 8, diện tích thả nuôi giảm 50-55% so với trước đó và giảm 25,9-33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng cá tra thu hoạch đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt, nửa đầu tháng 9 giảm đến 77% so với cùng kỳ.
Cả nước hiện có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó 96 cơ sở đang hoạt động. Lượng giống sản xuất trong giai đoạn giãn cách đã giảm mạnh, trong 3 tháng liên tiếp (6,7,8), sản lượng giống sản xuất lần lượt giảm 82,7%; 70,9% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nguy cơ sẽ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu vào cuối năm nay và đầu năm 2022” – ông Luân cảnh báo.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ
Theo bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khảo sát của VASEP ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long cho thấy, chỉ có 14/42 DN hội viên hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” từ giữa tháng 7 đến nay, với công suất chỉ 10-30%.
DN tạm ngưng sản xuất lớn nên dù nhu cầu cá tra trên thị trường khá lớn nhưng không tận dụng được cơ hội, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu (XK) sụt giảm. Cụ thể, XK cá tra trong tháng 8/2021 giảm 28,5% so với cùng kỳ, nhờ 7 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nên lũy kế 8 tháng kim ngạch XK cá tra vẫn tăng 8,8%. XK cá tra tháng 9 có thể giảm trên 30%.
Theo bà Lan, với tình trạng hồi phục rất chậm của các DN cá tra trong thời gian này thì khả năng chậm trễ những đơn hàng là tất yếu xảy ra, DN không dám nhận những đơn hàng mới cho dịp cuối năm là dịp cao điểm, thậm chí không thể lấy được đơn hàng cho thời gian đầu năm 2022.
“Chất lượng cá hiện cũng giảm do cá quá cỡ… Thiếu nguyên liệu cuối năm là tất nhiên, đến giai đoạn đầu năm 2022 việc này vẫn sẽ xảy ra” – bà Lan nói và cho rằng, sự phân bổ vắc xin không đồng đều giữa các tỉnh, chưa phủ đều vắc xin khiến DN chưa mạnh dạn tái sản xuất. Ngoài ra, việc huy động lao động quay lại làm việc cũng là vấn đề nan giải…
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, với các vùng nuôi cá tra, ranh giới là sông với sông, có khi một cái cồn cũng là ranh giới 2 tỉnh. Nhưng với cách quản lý khác nhau sẽ chi phối, gây khó việc di chuyển, thậm chí trong tỉnh nhưng giữa các huyện cũng có những rào cản, nếu cá nuôi ngoài tỉnh thì phải xin hai tỉnh, đi xét nghiệm, cách ly… khiến người lao động không muốn làm.
“Một đội công đoàn bắt cá giống có mười mấy người, nhưng đi về phải cách ly 14 ngày, trong khi thu hoạch chỉ một ao cá giống nên họ không làm. Thậm chí, cán bộ kỹ thuật đi mua cá giống, dù đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng cũng phải cách ly 14 ngày nên nó tắc, dẫn đến viễn cảnh sang năm sẽ thiếu giống. Người nuôi giống không thể chăm sóc thoải mái, thu hoạch thì khó khăn nên không thả giống nữa” - bà Khanh nói.
Theo bà Khanh, ngành sản xuất cá tra chảy dài ở các tỉnh ĐBSCL, nơi nào có nước ngọt có điều kiện về đường thủy đều có con cá tra hiện diện, nên chính sách ngành hàng cá tra cần vượt ranh giới địa lý giữa các tỉnh, cần có sự thống nhất quy chế chung cho con cá tra đi qua các tỉnh về đến nhà máy chế biến một cách hiệu quả nhất.
"Cần có tầm nhìn chung để ra một chính sách chung nhất để giúp DN từ trong nguy tranh thủ được cơ hội để phát triển, từ trong nguy chúng tôi có cơ hội mà nhà nước giải quyết chậm quá thì chúng tôi đánh mất cơ hội, thiệt hại không xứng đáng" - bà Khanh kiến nghị.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu, cần phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt lao động trong chuỗi cá tra, vì để duy trì hoạt động, khôi phục sản xuất thì đây là yếu tố quyết định. Còn kéo dài “3 tại chỗ” thì không có DN nào chịu nổi…
Tiền phong