MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim”

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim”

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, nhiều nhà đầu tư Việt Nam ngỡ ngàng khi cả VnIndex và VN30-Index đều vượt đỉnh lịch sử một cách ngoạn mục, đánh dấu mốc mới cho bước phát triển của TTCK.

Ngành chứng khoán một lần nữa trở lại thời Hoàng kim như đã từng diễn ra vào giai đoạn 2005-2007 với nhiều điểm nhấn về thanh khoản, điểm số, và đặc biệt là lượng nhà đầu tư tham gia. Và có vẻ như "bữa tiệc" chứng khoán vẫn chỉ mới bắt đầu!

Chứng khoán quốc tế tiếp tục vượt đỉnh

Trong kỳ họp chính sách tháng 6 vừa qua, Fed vẫn giữ khoảng mục tiêu cho lãi suất chính sách tham chiếu ở mức từ 0 đến 0,25% kể từ tháng 3/2020 đến nay và duy trì nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng cho đến cuối năm 2021.

Về dự phóng cho các chỉ số kinh tế vĩ mô, Fed đồng loạt điều chỉnh tăng các dự báo lạm phát từ năm nay đến 2023 nhưng cũng nhấn mạnh lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời. Trong khi các nhà giao dịch nói về việc Fed giảm mua trái phiếu, thì ngân hàng trung ương đã thực sự tăng cường mua tài sản trong tuần qua lên nhiều nhất trong ba tháng. Bảng cân đối kế toán của Fed lần đầu tiên vượt mốc 8 nghìn tỷ USD, hiện bằng 37% GDP của Mỹ (+9,5%) so với hồi đầu năm nay.

Những thông tin kể trên trở thành yếu tố nâng đỡ thanh khoản của TTCK toàn cầu trong ngắn hạn và việc chỉ số S&P 500 tiếp tục phục hồi và vượt đỉnh cao lịch sử là một minh chứng rõ ràng.

FED còn "bơm tiền" chứng khoán còn tăng

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim” - Ảnh 1.

Thực tế, làn sóng nhà đầu tư cá nhân đã nổi lên khắp thế giới kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Hiện tại, làn sóng này vẫn duy trì trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước châu Á. Các biện pháp phong tỏa, đóng cửa là lý do khiến người dân hạn chế tiêu dùng và tăng cường tiết kiệm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất toàn cầu được hạ xuống mức thấp kỷ lục khiến nhiều người đã tìm đến thị trường chứng khoán với mong muốn bù đắp phần thu nhập bị mất hoặc tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn so với lãi suất ngân hàng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại thời hoàng kim?

Cùng chung bối cảnh với thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới kể từ đầu năm với thanh khoản tăng bùng nổ. Mỗi lần các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh thì thị trường lại tạo lập một đỉnh cao nữa.

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim” - Ảnh 2.

Theo thống kê, TTCK Việt Nam ghi nhận rất nhiều kỷ lục mới và những phiên giao dịch tỷ USD đã trở thành quen thuộc với nhà đầu tư. Thanh khoản bình quân trên 3 sàn đã tăng từ mức 16.700 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên hơn 32.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6.

Không những thế, số lượng tài khoản mở mới chứng khoán ngày càng tăng, lũy kế 5 tháng đầu năm vượt 20% số lượng mở mới cả năm 2020 nâng tổng số tài khoản trên thị trường Việt Nam lên hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Chính sự hậu thuẫn lớn của những "kỷ lục", TTCK Việt Nam đang có nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán, vì thế, cũng đã tăng rất mạnh mẽ phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư đối với nhóm ngành này. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng bình quân 55% trong đó rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh như MBS (+114%), VND (+102%), SSI (+45,6%), HCM (+35%),…để đón đầu "quả ngọt" lợi nhuận "khủng".

Cổ phiếu chứng khoán tăng vượt trội hơn VN-Index

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim” - Ảnh 3.

Mọi thứ chỉ mới bắt đầu

Dù đã và đang đạt được những thành tựu kỷ lục nhưng theo các chuyên gia, mọi thứ chỉ mới bắt đầu! Với sự hậu thuẫn vững chắc về cả thanh khoản lẫn số tài khoản mở mới, các công ty chứng khoán vẫn đang cấp tập nắm bắt "vận hội mới".

Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, để tận dụng cơ hội sau 15 năm mới xuất hiện trở lại này, hàng loạt công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, củng cố năng lực cung ứng margin…để giảm thiểu rủi ro cho các thành viên tham gia thị trường nói riêng và toàn hệ thống tài chính nói chung.

Cụ thể, CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) dự kiến phát hành hơn 103,2 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng; CTCK VNDirect (VND) phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên gấp đôi lên gần 4.400 tỉ đồng; CTCK Bản Việt (VCI) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi lên 3.330 tỉ đồng…

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim” - Ảnh 4.

Bảng: Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các công ty chứng khoán Q1/2021 so với cùng kỳ

Những ngày cuối tháng 6 này, nhà đầu tư lại tiếp tục rót tiền mua cổ phiếu chứng khoán và ngóng chờ báo cáo kết quả kinh doanh. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, với đà tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán quý 2, lợi nhuận của các công ty chứng khoán tiếp tục đột biến hơn nữa sau khi đã thiết lập đỉnh lịch sử vào quý 1.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, công ty chứng khoán đầu tiên hé lộ tăng trưởng lợi nhuận khủng so với cùng kỳ là MBS, khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay vượt kết quả của cả năm 2019 và gần bằng thực hiện của cả năm 2020. Sự lạc quan và bất ngờ có lẽ sẽ tiếp tục diễn ra ở các cổ phiếu chứng khoán dẫn đầu như SSI, HCM, VCI…trong mùa báo cáo Q2 năm nay.

Và, thêm một yếu tố lạc quan khác là, sau khi các công ty chứng khoán tăng vốn, lượng vốn này sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán giúp nhà đầu tư có thêm nguồn lực chớp thời cơ đón "sóng lớn" của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới được HoSE đưa vào từ tháng 7 hứa hẹn giúp thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ giúp các CTCK có thể đẩy mạnh tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên