Ngành công nghiệp đất hiếm chật vật vì thiếu công nghệ
Dù có trữ lượng khoáng sản đất hiếm được đánh giá nhiều thứ 2 thế giới nhưng những năm qua, ngành công nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam chưa thể hình thành và mang lại lợi ích kinh tế cao do chưa làm chủ được công nghệ chế biến.
- 21-10-2023Cần cảnh giác với chiêu thức lừa đảo trên Telegram
- 21-10-2023Đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước không phát sinh thủ tục và chi phí đổi thẻ
- 21-10-2023Bằng một quyết định này, AMD đã kết thúc cuộc chiến CPU hiệu năng cao với Intel
Đây là nhận định của cơ quan quản lý và các chuyên gia tại hội thảo Đất hiếm Việt Nam, thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng, diễn ra ngày 18/10 do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức.
Giậm chân tại chỗ
Mỏ đất hiếm Đông Pao, nơi được xem có trữ lượng đất hiếm lớn nhất Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (LAVRECO) vào năm 2015.
Trước đây, với sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản, công ty thành lập Dự án đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm Đông Pao có công suất 30.000 tấn các oxit đất hiếm riêng rẽ, bao gồm 3 dự án thành phần.
Tuy nhiên, việc hợp tác đầu tư dự án bị dừng lại. Đến nay, công ty vẫn chưa tìm được đối tác có khả năng làm chủ công nghệ chế biến đất hiếm để triển khai chế biến khoáng sản đất hiếm từ mỏ Đông Pao.
Mỏ đất hiếm Bến Đền (Lào Cai) mới được cấp phép thăm dò, chưa có báo cáo kết quả thăm dò. Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe (Lai Châu) mới hoàn thành thăm dò, trữ lượng thăm dò đã được hội đồng đánh giá trữ lượng phê chuẩn. Mỏ Bắc Nậm Xe (Lai Châu) mới kết thúc giai đoạn thăm dò, hoàn chỉnh báo cáo để trình hội đồng đánh giá trữ lượng.
Theo ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim, Cục Công nghiệp của Bộ Công Thương, tình hình khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm Việt Nam còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng từ 95% trở lên; chưa có công nghệ tách chiết ra sản phẩm đất hiếm riêng rẽ.
Ông Bình chia sẻ thêm, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa thể chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước.
Theo PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), mặc dù những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong nghiên cứu công nghệ chế biến đất hiếm, tuy nhiên chưa đáp ứng được mong đợi. Trong khi đây là công nghệ rất ít quốc gia có được và giữ bản quyền, không chuyển giao.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN cấp quốc gia về Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu, ngoài khó khăn về công nghệ, giá trị kinh tế lớn nhất của công nghiệp đất hiếm không nằm ở ngành khai thác và chế biến mà nằm ở các ngành công nghiệp ứng dụng đất hiếm.
Tuy nhiên, Việt Nam hầu như chưa có các ngành công nghiệp sử dụng đất hiếm. Bên cạnh đó, việc tàn phá môi trường khi khai thác đất hiếm cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Ngoài ra, theo GS. Nguyễn Quang Liêm, để có thể sản xuất thương mại đất hiếm ở Việt Nam cần trải qua một quy trình 10 bước với thời gian triển khai một dự án đất hiếm có thể không dưới 10 năm.
Nhu cầu tăng mạnh thời gian tới
Ông Đỗ Nam Bình cho biết, đất hiếm ngày càng đóng vai trò lớn đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới, là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất linh kiện điện tử, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các ngành công nghiệp năng lượng sạch khác.
Theo GS. Nguyễn Quang Liêm, thị trường đất hiếm thế giới hiện nay khá khiêm tốn khi có giá trị dưới 10 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng một số đất hiếm sẽ tăng mạnh trong khoảng 20 năm tới, nhất là với một số loại đất hiếm sử dụng làm nam châm vĩnh cửu cường độ cao, ứng dụng trong các máy phát điện gió và động cơ ô tô điện.
GS. Liêm lấy ví dụ, một tua-bin điện gió 2,5MW cần nửa tấn nam châm đất hiếm, một máy bay US F-35 cần 427kg đất hiếm, một ô tô nhỏ Hybrid cần 10-15kg La (một nguyên tố đất hiếm).
Theo GS. Liêm, để thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam cần nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đồng thời tăng cường năng lực đánh giá tác động môi trường và xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Đặc biệt, Việt Nam cần quan tâm đến ngành chế biến sâu kim loại đất hiếm để tăng hiệu quả kinh tế.
PGS.TS Hoàng Anh Sơn cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cần đặc biệt chú trọng đến việc chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với hàm lượng tổng oxit tối thiểu 95%. Phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tiến tới chế biến sâu đến kim loại một số nguyên tố đất hiếm phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng, giao thông không phát thải.
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo PGS. Hoàng Anh Sơn, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng một cụm thí nghiệm tiên tiến về công nghệ đất hiếm và môi trường, huy động năng lực của các viện/trường, tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực này.
PGS.TS Lê Bá Thuận, Viện Công nghệ Xạ hiếm cho rằng, cần xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao đất hiếm để thúc đẩy nghiên cứu, từng bước làm chủ và phát triển công nghệ lõi trong việc chế biến đất hiếm.
Đề xuất một số giải pháp KHCN
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, bộ sẽ phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất một số giải pháp KH&CN phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển đất hiếm của Đảng và Nhà nước như tăng cường tiềm lực cho các tổ chức nghiên cứu trong nước; nghiên cứu làm rõ thêm về trữ lượng và thành phần các nguyên tố đất hiếm trong các mỏ; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm phù hợp với quặng Việt Nam; đảm bảo môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến.
Tiền Phong