Ngành da giày hướng tới xác lập chuỗi liên kết nội địa
Chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu.
- 04-09-2015Ngành dệt may, da giày chưa bị “ngấm đòn” phá giá Nhân dân tệ
- 26-08-2015Nguyên phụ liệu cho ngành Da giày: Loay hoay với nội địa hóa
- 16-07-2015Ngành da giày Việt Nam bỏ ngỏ thị trường nội địa
Thị trường nội địa - tiềm năng còn bỏ ngỏ
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp da giày và túi xách của Việt Nam với khoảng 800 công ty sản xuất được phân bố chủ yếu tại khu vực phía nam. Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%, đáp ứng hơn 65% kim ngạch xuất khẩu, DN trong nước chiếm 77% nhưng chỉ đáp ứng 35% kim ngạch xuất khẩu.
Đối với thị trường nội địa, theo bà Hà, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Sản phẩm giày dép "Made in Vietnam" tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 50-60% thị phần.
Trong khi đó, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp vẫn có nhưng ít và hiện bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Mặt khác, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường nội đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa.
Xuất khẩu gặp khó
Theo Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italy. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, trong khi sản phẩm túi xách hiện đã có mặt tại trên 40 nước.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, do dành tới 90% sản phẩm cho xuất khẩu nên việc suy thoái của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành da giày và túi xách Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của ngành da giày năm 2015 tăng khoảng 16% so với năm 2014, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ đạt tốc độ trên 7%, riêng túi xách thì tốc độ vẫn đạt được gần 14%.
Theo đánh giá từ Lefaso, vừa qua, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có khả năng gây thiệt hại tới kinh tế khu vực EU và nền kinh tế toàn cầu, do đó cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới việc xuất khẩu da giày và túi xách trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, trong bối cảnh gặp khó khăn như hiện nay, để ngành da giày và túi xách Việt Nam có thể tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, các DN cần có sự chuẩn bị tốt để tận dụng được tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết và được dự báo là sớm có hiệu lực trong một vài năm tới.
Hình thành chuỗi liên kết nội địa
Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ các FTA, các DN ngành da giày và túi xách Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa; tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.
Để giải quyết những vướng mắc này, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, gần như DN Việt Nam ở thế bị động, chúng ta được chỉ định chứ không có được sự chủ động mình muốn được nằm ở khâu nào trong chuỗi và hiện số DN Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng rất ít.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam sẽ chủ động được nếu như cùng tham gia chuỗi liên kết nội địa. Trong chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp DN đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu.
Ông Kiệt cho biết, ngày 15/7 tới đây, Lefaso sẽ cho ra mắt Trung tâm Lefaso Center. Vai trò của Trung tâm là cầu nối tạo nên sự liên kết giữa các DN trong ngành, trong đó chủ yếu là các DN nội địa, hướng tới xác lập chuỗi liên kết nội địa, bao gồm các nhà sản xuất máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu trong nước, qua đó tạo thế cạnh tranh cho DN nội địa và xuất khẩu.
Lefaso Center sẽ là Trung tâm tập trung cho ngành da giày và túi xách Việt Nam, nơi trưng bày nguyên phụ liệu của các DN, đặc biệt là các DN trong nước; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc thiết kế, định giá hàng hóa... để các DN chuyên tâm, tập trung sản xuất.
Chinhphu.vn