Ngành dệt may đang và sẽ làm lợi nhiều hơn người ta nghĩ
Dù có thể là ngành dệt may đang chỉ mang lại đồng lương khiêm tốn cho công nhân nhưng thử tưởng tượng nếu ngành dệt may ở Việt Nam không phát triển như bây giờ thì vài triệu nhân lực trong ngành này sẽ đi về đâu, làm gì, sống ra sao?
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Lâu nay chúng ta vẫn được nghe những lời phàn nàn, cảnh báo của nhiều người trong và ngoài ngành rằng ngành dệt may mang lại giá trị gia tăng thấp, do chủ yếu dựa vào gia công với tiền lương rẻ mạt, nên dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thành hiện thực thì ngành dệt may Việt Nam cũng khó có thể tận dụng được cơ hội mà TPP mang lại.
Đầu tiên, cần phải thừa nhận ngay rằng một bộ phận lớn trong ngành dệt may vẫn dựa trên gia công, sử dụng nhiều lao động với tiền lương chỉ vài triệu đồng/người/tháng, nên quả là giá trị gia tăng cho toàn ngành ở Việt Nam còn thấp, đặc biệt so với những phân khúc khác như thiết kế, phân phối và bán lẻ đa phần do người nước ngoài nắm giữ.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách công bằng rằng giá trị gia tăng ngành dệt may không chỉ dừng lại ở tiền lương, và cho công nhân trong ngành dệt may. Ngành dệt may phát triển còn mang đến nhiều cơ hội phát triển lan truyền như những ngành sản xuất phụ kiện, bao bì, vận tải, phân phối, dịch vụ, năng lượng, xây dựng v.v... Đến lượt chúng, những ngành này lại lôi kéo theo sự phát triển của những ngành khác. Cứ như thế, các ngành liên quan sẽ thúc đẩy nhau cùng tăng trưởng, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội hơn là nếu chỉ nhìn vào từng ngành riêng lẻ tự thân phát triển.
Thứ hai, cũng không thể bỏ qua đóng góp của ngành dệt may từ một vấn đề hết sức hiển nhiên nhưng hầu như không ai nghĩ đến khi bàn luận về sự đóng góp của ngành dệt may. Đó là ngành này mang lại cho ngân sách một khoản thu không hề nhỏ dưới dạng thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, các loại phí theo quy định. Lấy ví dụ về thuế nhập khẩu, thuế suất ưu đãi nhập khẩu vải bông là 12%; một số loại vải nhập từ Trung Quốc còn có thuế suất cao hơn, lên đến 15%-20%. Do vậy, nếu tính sơ sơ thì riêng tiền thuế, phí các loại nộp vào ngân sách đã lên đến cả chục USD hoặc hơn tính cho một cái áo sơ mi có giá bán ở nước ngoài là 100 USD.
Cùng một lý do như vậy, tiền thuế và phí thu được các ngành “ăn theo” nói trên cũng nên và cần được tính vào đóng góp của ngành dệt may cho nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, ngành dệt may là một trong những nền tảng ban đầu cần thiết để tạo ra bước chuyển biến trong cơ cấu kinh tế của hầu như bất cứ một nền kinh tế đang phát triển, dư thừa nhiều lao động với trình độ và tay nghề thấp, giá rẻ như Việt Nam trong những thập kỷ qua. Ngay cả những “con rồng châu Á” như Hong Kong, Đài Loan cũng từng có ngành dệt may phát triển khá thịnh trước khi đi vào suy vong vì giá nhân công ngày càng tăng lên đến mức đắt đỏ phi kinh tế theo đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế những vùng lãnh thổ này, buộc họ phải “di dời” ngành này ra các nước ở trình độ phát triển kém hơn, có chi phí nhân công rẻ hơn.
Với Việt Nam, cho dù có thể là ngành dệt may đang chỉ mang lại đồng lương khiêm tốn cho công nhân nhưng thử tưởng tượng nếu ngành dệt may ở Việt Nam không phát triển như bây giờ thì vài triệu nhân lực trong ngành này, cộng thêm một số lượng không nhỏ nữa trong những ngành “ăn theo”, liên đới sẽ đi về đâu, làm gì, sống ra sao?
Và cho dù có là ngành có giá trị gia tăng thấp thì ngành dệt may vẫn đang là “mảnh đất hứa”, một chiến trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam, gồm Campuchia, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, và Myanmar… Không có mấy nước đang phát triển lại coi rẻ, từ chối cơ hội phát triển của ngành này nếu có. Bằng chứng thực tế là nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang lên tiếng lo ngại về việc mất đơn đặt hàng vào tay các doanh nghiệp ở Campuchia và Bangladesh với giá nhân công rẻ hơn, trong khi những người ngoài cuộc thì lại cứ như muốn bàn ra về tương lai của ngành này ở Việt Nam.
Đương nhiên giải pháp trên giấy thì bao giờ cũng dễ, cũng hiển nhiên. Không ai không biết rằng trong công đoạn từ nguyên liệu ra đến sợi, vải, thiết kế, cắt, may, phân phối, bán lẻ thành phẩm thì khâu cắt may là khâu mang lại giá trị gia tăng kém nhất. Nhưng để nắm, thâu tóm được các khâu khác có giá trị gia tăng cao hơn thì không phải tự nhiên mà đa phần chỉ có các doanh nghiệp FDI ở các nước phát triển mới có thể làm được, khi họ trước đây cũng đã phải trải qua quá trình như Việt Nam hiện tại. Vậy thì không nên kỳ vọng sự phát triển thần kỳ theo kiểu nhảy vọt, đốt cháy giai đoạn trong ngành này ở Việt Nam, tuy các chất xúc tác như nêu ở điểm thứ tư dưới đây có thể thúc đẩy sự phát triển diễn ra nhanh hơn.
Thứ tư, có thể coi TPP là một chất xúc tác mạnh thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. TPP mang đến hiệu quả giảm thuế nhập khẩu về 0% vào thị trường chính là Mỹ. Nhờ thuế giảm về 0%, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may của Việt Nam so với các đối thủ hiện tại như Campuchia, Bangladesh và kể cả Trung Quốc tự nhiên tăng vọt sau một đêm (khi TPP có hiệu lực).
Giả sử cùng có giá bán lẻ là 100 USD ở Mỹ, một cái áo sơ mi của Việt Nam trước đây có giá xuất khẩu FOB là 60 USD, của Trung Quốc là 55 USD, và đều chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ, ví dụ, là 10%. Khi được nhập khẩu vào Mỹ, áo của Việt Nam có tổng chi phí là 66 USD, lại càng cao hơn của Trung Quốc là 60,5 USD. Nhưng khi TPP có hiệu lực, áo của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chỉ còn chi phí đúng 60 USD nên thậm chí còn rẻ hơn cả áo của Trung Quốc vẫn có chi phí là 60,5 USD.
Câu chuyện hiệu quả của giảm thuế chưa dừng ở đây. Khi áo của Việt Nam trở nên rẻ hơn các đối thủ khác thì người Mỹ sẽ quay sang mua áo của Việt Nam nhiều hơn, mua của đối thủ khác ít hơn. Quy mô đơn đặt hàng vì thế tăng lên, giúp nhà sản xuất Việt Nam có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất (và việc làm), cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, tạo điều kiện tái đầu tư, trang bị thiết bị tiên tiến hơn, thuê nhiều chuyên gia để “lấn” sang những khâu có giá trị gia tăng cao hơn như tự thiết kế, tự sản xuất hoặc mua nguyên liệu và tự bán sản phẩm. Nhưng cũng cần phải lặp lại rằng quá trình này cũng không thể tăng tốc đột ngột trong ngày một ngày hai, mà cần phải có thời gian tính bằng năm.
Chưa hết, TPP còn thúc đẩy sự phát triển công nghiệp thượng nguồn trong ngành dệt may với quy tắc “Từ sợi trở đi”. Đương nhiên là một bộ phận lớn ngành công nghiệp thượng nguồn này bước đầu (như hiện tại) sẽ nằm trong tay doanh nghiệp FDI, từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Malaysia hay Mỹ nhưng đó không phải là điều xấu (hổ) vì nó là hiển nhiên như với hầu hết mọi ngành công nghiệp khác trong giai đoạn nền kinh tế đang chuyển mình, đang phát triển, khi các nhà đầu tư trong nước chưa đủ tiềm lực tài chính, năng lực quản lý và công nghệ để cạnh tranh được với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng chí ít thì các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành công nghiệp thượng nguồn này cũng là một bộ phận cấu thành khăng khít của nền kinh tế nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, đồng thời cũng nộp thuế, tạo công ăn việc làm, làm lan truyền vào chuyển giao công nghệ, thu hút những doanh nghiệp vệ tinh của địa phương v.v…tạo ra những nền tảng mới cho sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nói cách khác, ngành dệt may Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều hơn, và có tầm quan trọng lớn hơn những gì mà nhiều người đang nhìn nhận. Vai trò và đóng góp này còn được kỳ vọng sẽ ở mức cao hơn nhiều khi TPP có hiệu lực.