MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành dệt may sẽ được gì từ EVFTA?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Vũ Đức Giang, khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0 thì tốc độ tăng trưởng ở thị trưởng này có thể lên tới 7-8%/năm.

Theo ông Võ Văn Kiên Nhẫn, Trưởng phòng Kinh doanh Nội địa, Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến cho biết cơ hội hiệp định EVFTA mang lại rất lớn, giúp công ty khẳng định vị trí. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài, điển hình như Zara, H&M. Bên cạnh đó, ngay cả các hãng trong nước cũng đang trong cuộc chạy đua gay gắt giành thị phần.

Ngành dệt may sẽ được gì từ EVFTA? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Soha

Sau CPTPP, việc ký kết hiệp định EVFTA chuẩn bị bước vào những giai đoạn cuối cùng. Trước đó, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay các công việc chuẩn bị cho ký kết EVFTA về cơ bản đã được hoàn tất, chỉ còn một vài vấn đề về kỹ thuật cần trao đổi thêm.

"Tôi tin rằng với sự thiện chí của cả 2 phía những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết trước mùa hè để tiến tới chính thức ký hiệp định EVFTA", Phó thủ tướng nói.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 31,16 tỷ USD, tăng 10,23%. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD năm 2018 hoàn toàn khả thi, trong đó các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò lớn.

Riêng đối với EU- thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành, sau Mỹ- hứa hẹn sẽ giúp ngành dệt may tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt 3,79 tỷ USD tăng 6,3%.

Đóng góp cho đà tăng trưởng một phần do hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN - EAEU) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực ngày 5/10/2016. Minh chứng rõ nhất là tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nga từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên 110 triệu USD năm 2016 (tăng 30%) và đạt khoảng 172 triệu USD năm 2017 (tăng 56%).

Vì vậy, hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ càng tạo đà cho ngành dệt may phát triển. Khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0 thì "tốc độ tăng trưởng ở thị trưởng này có thể lên tới 7-8%/năm", ông Giang nói. Hiện nay, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế từ 7-17%.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế EU khả quan cũng được coi là tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may. Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế EU dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá 2,2%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, đặc biệt là EU, cú sốc về đơn hàng năm 2016 sẽ khó lặp lại. Bên cạnh đó, do những thị trường mới trong nhóm CPTPP cần thời gian để thâm nhập nên lợi ích từ EVFTA sẽ rõ ràng hơn.

VDSC cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn ở thị trường EU như Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (32%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (21%), Tổng Công ty May 10 (36%) và Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (18%) sẽ ghi nhận tăng trưởng đơn hàng rõ ràng hơn các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, để nắm bắt những cơ hội từ EVFTA cũng không phải là điều dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết những tiêu chuẩn về sản xuất, cách thức đóng gói, ghi nhãn mác...sẽ là hàng rào kỹ thuật đối với ngành. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất sứ. Hiện nay, nguyên liệu dệt may của Việt Nam hầu hết không có nguồn gốc từ các nước thành viên EU nên khó tận dụng được những ưu đãi thuế quan.

"Chúng ta có thể vượt qua hàng rào thuế quan, nhưng đối với hàng rào kỹ thuật thì chưa chắc nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị tốt do EU nổi tiếng là thị trường khó tính", bà Trang nói.

Bà Trang nhận định một trong những thách thức lớn của ngành dệt may trong thời gian tới là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, đây đồng thời là một cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên