Ngành điều tập trung đầu tư cho chất lượng, thương hiệu để vượt qua khó khăn
Với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều. Song những khó khăn của các năm trước vẫn tiếp tục kéo dài khiến nhiều DN bị thua lỗ.
- 16-10-2014Thành lập Tổ Liên ngành điều hành giá xăng dầu
- 31-07-2013Ngành điều trước nguy cơ thành xưởng gia công của thế giới
- 07-10-2010Ngành điều cần 11.000 tỉ đồng để phát triển bền vững
Nhiều bất ổn
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá kết quả của năm 2018 là một “kỷ lục buồn” trong lịch sử ngành điều. Theo đó, dù sản lượng điều xuất khẩu tăng 7,8%, đạt 391.000 tấn nhưng giá trị lại giảm 3% so với năm 2017, chỉ đạt 3,52 tỷ USD.
Theo Vinacas, năm 2018 là năm mà thị trường nguyên liệu điều thô quốc tế có biến động mạnh, hàng trăm ngàn tấn điều thô nhập khẩu về Việt Nam và Ấn Độ trong quý II/2018 đã phải nằm chờ tại cảng và các kho ngoại quan trong thời gian dài. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này nằm ở vấn đề chất lượng hàng hóa và khó khăn về tín dụng của DN nhập khẩu, bên cạnh đó là sự biến động quá nhanh và mạnh của thị trường điều nhân thế giới.
Hầu hết các hợp đồng nhận hàng vào thời điểm cuối quý II, đầu quý III phải được xem xét lại về chất lượng, tái đàm phán và giảm giá. Điều này khiến cho chất lượng bình quân điều thô năm nay xấu hơn nhiều so với mọi năm do nguyên liệu chưa đủ độ khô cần thiết nhưng phải nằm trong container trong thời gian dài vận chuyển trên biển, nằm phơi nắng tại các cảng biển của Việt Nam và sau đó được đưa vào kho ngoại quan để bán lẻ nếu chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa người bán và người mua trên thị trường điều thô ở tình trạng báo động. Người bán không còn mặn mà với nguyên liệu so với những năm trước đây do năm nay không chỉ các DN nhập khẩu mà còn có cả các DN bán điều thô lỗ nặng. Đáng chú ý, nhiều DN nhỏ và DN môi giới, mặc dù không có tiềm lực về tài chính nhưng vẫn tham gia tích cực trên thị trường điều thô nên đã gây xáo trộn trên thị trường nguyên liệu. Ngày càng có nhiều DN trong và ngoài nước tham gia thị trường, đầu tư cơ sở chế biến điều tại Việt Nam, đặc biệt một số cơ sở chế biến được đầu tư trong các khu chế xuất dọc khu vực biên giới Việt Nam và Trung Quốc, cận tuyến "một vành đai - một con đường" của Trung Quốc,...
Trước những khó khăn của ngành điều, ngành ngân hàng đã siết chặt cho vay tín dụng nhập khẩu điều thô do e ngại rủi ro, đặc biệt đối với những đối tượng khách hàng là DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường điều... Điều này khiến cho không ít DN phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng đã phải đàm phán lại với đối tác, thậm chí buộc phải hủy hợp đồng, chấp nhận mất cọc. Theo Vinacas, năm nay các tranh chấp thương mại xảy ra với tần suất và mức độ cao hơn so với mọi năm. Hầu hết DN chế biến điều nhân đều rơi vào cảnh thua lỗ.
Đầu tư cho chất lượng, thương hiệu
Trước bộn bề khó khăn, ông Cao Thúc Uy, Ủy viên Ban thường vụ Vinacas khuyến cáo DN chế biến không nên tích trữ tồn kho điều thô từ đầu năm. Bởi trong niên vụ 2019, ước tính lượng cung điều thô thế giới sẽ vượt cầu khi sản lượng từ các khu vực sản xuất chủ lực như châu Phi, Campuchia đều tăng mạnh - do nông dân tại đây sản xuất có hiệu quả với giá thành ở mức khá hợp lý. "Campuchia sẽ có mùa thu hoạch rầm rộ trong khoảng 15 ngày tới. Kinh nghiệm là nhìn động thái của người mua mà DN chế biến làm theo. Họ chỉ thích kỳ hạn 2-3 tháng thì DN chế biến cũng nên mua điều thô nguyên liệu theo chu kỳ đó để hạn chế thiệt hại" – ông Uy nói. Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cũng cho biết, các nước châu Phi đã đầu tư vào chế biến điều nhưng chưa hiệu quả nên trong vòng 5 năm tới vẫn phải xuất khẩu điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ, do đó, DN không nên tranh mua sớm giá cao.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho hay ngành điều đang tích cực xây dựng Hội đồng hòa giải và Hội đồng thông tin. Hiện Hội đồng Hòa giải đã và đang hỗ trợ xử lý nhiều tranh chấp mua bán. Theo ông Công, DN chế biến điều Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện và tôn trọng các quy định, thông lệ của thương mại quốc tế. Bởi hiện nay các vụ tranh chấp xảy ra đa phần là do hồ sơ mua bán của đôi bên đều không đầy đủ.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành điều đặt mục tiêu duy trì xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân các loại trong năm 2019. Đồng thời tối đa hóa giá trị xuất khẩu thông qua việc đẩy mạnh phát triển chế biến, xuất khẩu nhân điều có hàm lượng giá trị gia tăng cao theo chủ trương "giảm lượng, tăng chất". Để đạt được mục tiêu đó, Vinacas đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tiếp tục triển khai chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam "Cashew of Vietnam" và các chương trình hỗ trợ xây dựng Thương hiệu Quốc gia cho sản phẩm và DN, hỗ trợ thông tin và đào tạo, thiết kế sản phẩm của DN,…
Vinacas cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động của các DN thương mại nước ngoài, DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam để khuyến khích các DN này đầu tư vào chế biến sâu, thay vì chỉ kinh doanh, mua bán nguyên liệu dưới hình thức gia công xuất khẩu, gây tác động không nhỏ đến thị trường điều Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoài ra, Vinacas cho biết, Hiệp hội đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) và một số cơ quan chức năng xây dựng thành công Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về hạt điều thô, dự kiến ban hành chính thức vào năm 2019. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về hạt điều thô. Việc ban hành tiêu chuẩn quan trọng này sẽ giúp DN giảm thiểu những vấn đề về chất lượng hàng hóa trong thương mại điều thô trong thời gian tới.
Thêm vào đó, trong những tháng cuối năm 2018, ngành Tài chính và Hải quan đã đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu. Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành điều, đây là việc làm cần thiết để lập lại trật tự trên thị trường nguyên liệu và giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Hải quan