MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành du lịch còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch mặc dù vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cả năm và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch mặc dù vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cả năm và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch mặc dù vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cả năm và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Ông có đánh giá gì về sự phục hồi của ngành du lịch những tháng đầu năm nay và triển vọng các tháng tới?

Ông Hà Văn Siêu: Tháng 7/2023 có 1.038,6 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 6,5% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên trong năm 2023, ngành du lịch đón trên 1 triệu khách quốc tế trong 1 tháng. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 12,5 triệu lượt. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 6,6 triệu khách quốc tế (đạt 83% kế hoạch năm 2023), phục vụ 76,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2023 với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738 nghìn lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445 nghìn lượt. Hai thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ, Úc. Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc, Anh, Đức. Trung quốc - thị trường gửi khách lớn nhất trước dịch, mới phục hồi hơn 22% do Chính phủ nước này mới mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3. Dù vậy, kể từ lúc mở cửa trở lại, khách Trung Quốc luôn nằm top đầu những thị trường khách đến Việt Nam đông nhất.

Ngành du lịch còn nhiều dư địa để tăng trưởng - Ảnh 1.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành du lịch mặc dù vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cả năm và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: internet

Với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng đầu năm, đặc biệt từ ngày 15/8/2023, chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh sẽ chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử sẽ được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày. Nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Nhờ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển. Ngày 4/7, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 14/7, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, du lịch thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực khôi phục và phát triển thị trường du lịch quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính là các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan chưa phục hồi bình thường, thị trường Nga vẫn bị hạn chế đi lại do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.

Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất của ngành du lịch hiện nay?

Ông Hà Văn Siêu: Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của toàn xã hội trong việc phục hồi hoạt động du lịch nội địa và quốc tế trên cả nước, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã tiếp tục diễn ra sôi nổi, rộng khắp, duy trì được đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Luật về xuất nhập cảnh với chính sách thị thực thông thoáng cũng như tăng thời hạn lưu trú đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như xung đột Nga – Ukraine (thị trường lớn của nhiều điểm đến tại Việt Nam), hay lượng lớn khách Trung Quốc chưa quay trở lại Việt Nam ngay sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch thì những nguyên nhân chủ quan về công tác quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm kết hợp thúc đẩy chuyển đổi số và việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… cũng cần có giải pháp đồng bộ để triển khai. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức lớn của ngành du lịch cần được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng tiếp tục ủng hộ, chung tay thực hiện.

Cục Du lịch sẽ làm gì và có kiến nghị gì với Chính phủ và chính quyền các địa phương để tiếp tục thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, tăng cường thu hút khách quốc tế cũng như khách nội địa?

Ông Hà Văn Siêu: Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, tăng cường thu hút khách quốc tế cũng như khách nội địa, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Theo đó, ngành Du lịch sẽ thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch, hoàn thiện hạ tầng tại các trung tâm du lịch để hình thành các trung tâm thu hút khách quốc tế của Việt Nam và khu vực; ban hành chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, mở thêm các đường bay kết nối thị trường du lịch tiềm năng.

Các địa phương và doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với tình hình phát triển nhằm thu hút và giữ chân khách quốc tế được lâu hơn đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của khách nội địa; chú trọng những sản phẩm hấp dẫn khách hạng sang, chẳng hạn có thể tập trung vào những dòng sản phẩm cao cấp như du thuyền, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch golf… phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Từ đó tạo sức mạnh tổng hợp để nâng cao hiệu quả, bảo đảm sự phục hồi du lịch nhanh và bền vững trong tình hình mới.

Ngành du lịch còn nhiều dư địa để tăng trưởng - Ảnh 2.

Tăng trưởng xanh đang trở thành đòi hỏi bức thiết trên phạm vi toàn cầu cũng như ở nước ta. Ngành du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để thúc đẩy phát triển du lịch xanh?

Ông Hà Văn Siêu: Ngay sau khi "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), ngành du lịch đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch, cụ thể như:

- Hoạt động xây dựng văn bản: Ngành du lịch đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL và các cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành nhiều văn bản của ngành, trong đó có lồng ghép các nội dung "du lịch xanh", "phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh" và "du lịch bền vững", như: Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch năm 2017; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;...

- Hoạt động thực tiễn:

+ Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã xây dựng và áp dụng trên thực tế các bộ tiêu chí đánh giá về du lịch xanh như: "Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh" (năm 2012); "Nhãn Du lịch xanh" (năm 2013),...

+ Năm 2017, Bộ VHTT&DL tổ chức "Tuần văn hoá Du lịch di sản xanh";

+ Năm 2018, Bộ VHTT&DL triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ lĩnh vực Du lịch, thực hiện năm 2019 - 2021: "Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh";

+ Năm 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức Hội chợ Quốc tế VITM-2019 tại Hà Nội với chủ đề "Du lịch xanh".

- Giai đoạn 2020 - 2023, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam. Để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, phát triển du lịch xanh là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

+ Tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL là: “Xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch” .

+ Ngày 18 tháng 5 năm 2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến trình phát triển du lịch xanh?

Ông Hà Văn Siêu: Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, toàn ngành cần tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ như sau:

1. Phát triển du lịch dựa trên nền tảng tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa.

2. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, gắn kết với cộng đồng như: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp nông thôn; du lịch khám phá - trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe;...

3. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch ứng dụng KH&CN hiện đại, công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ sạch vào phát triển sản phẩm và cung ứng dịch vụ du lịch xanh và bền vững.

4. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu mới; sử dụng tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu; giảm phát thải khí nhà kính, giảm xả thải trực tiếp ra môi trường trong quá trình phát triển du lịch; tích cực bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề toàn cầu khác.

Xin cảm ơn ông!

Theo My Anh

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên