Ngành đường lại... đắng ngắt, cán bộ được giao tiêu thụ để giải cứu!
Giá đường trên thị trường và giá mía nguyên liệu đang giảm mạnh khiến đường trong nước sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Tính đến thời điểm tháng 1/2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho khoảng 239.000 tấn.
30.000 tấn đường của Hậu Giang sẽ được phân bổ cho công chức viên chức
Lượng đường tồn kho của tỉnh Hậu Giang, địa phương có diện tích mía lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến cuối tháng 2/2018 lên đến 30.000 tấn, lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Ông Phạm Quan Vinh, TGĐ công ty mía đường Cần Thơ (Casuco) đóng trên địa bàn tỉnh cho biết đường tồn kho là do khách hàng tâm lý chờ đợi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan.
Để giải cứu mía đường, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các sở, ngành phải có giải pháp hỗ trợ mà trước mắt, mỗi cán bộ, công nhân viên phải mua một lượng đường nhất định, giúp các nhà máy giải quyết lượng hàng tồn kho. Hiện tỉnh chưa đưa ra con số phân chia cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh đây là biện pháp tạm thời, gốc rễ phải giải quyết được khâu quy hoạch và tập trung tái cơ cấu lại ngành mía đường, vốn là điểm yếu trong nhiều năm nay.
Tại sao đường lại đắng?
Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, trong giá thành sản xuất 1kg đường thì giá thành sản xuất nguyên liệu mía chiếm đến 70%. Tuy nhiên, theo tính toán, mức giá sản xuất mía nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang giá cao hơn nhiều so với các nước có mía trong khu vực ASEAN.
Ví dụ như Thái Lan, 1 kg đường do nông dân sản xuất mang về nhà máy là 700 – 750 đồng, trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long là 1.000 đồng/kg. Thái Lan đang sản xuất 12 triệu tấn đường/năm nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ là 2,5 triệu tấn nên phần dư thừa được xuất sang Việt Nam đang tăng mạnh với giá thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa đường trong nước là do sự tác động mạnh từ cam kết của Việt Nam về việc dần xoá bỏ rào cản thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN khi gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.
Bài toán quy hoạch?
Hiệp hội mía đường cũng thừa nhận việc giải cứu bằng cách phân bổ đường thành phẩm cho công chức, viên chức ở Hậu Giang chỉ là giải pháp tạm thời. Theo đó, Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp phải chủ động sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp cũng cần chủ động hạ một phần giá đường để giảm bớt sự chênh lệch giá.
Ngành mía đường của Đồng bằng sông Cửu Long như vậy cần giải được bài toán hạ giá thành sản xuất mía nguyên liệu từ 750 – 760 đồng/kg xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang cho biết trong thời gian ngắn nhất, tỉnh phải rà soát quy hoạch lại vùng trồng mía theo hướng chuyên canh, trong đó định hướng đến năm 2020 chỉ duy trì 10.000 ha để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tốt hơn.
Hậu Giang cũng dự kiến đưa ra mô hình cánh đồng lớn cho cây mía trong quý I/2018. Song song, chính quyền vận động người dân trồng mía tham gia vào các hợp tác xã hay câu lạc bộ từ đó phát triển các hợp tác xã theo hình thức mới. Ông Đồng nói rằng khi những mô hình này hoạt động ổn định thì nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư. Từ đó, tập trung sản xuất cơ giới hoá, nâng cao năng suất và chất lượng.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là nâng cao chất lượng các sản phẩm mía đường để cạnh tranh.
Thị trường đường thế giới cũng được dự báo sẽ dư thừa trong thời gian tới!
Vào đầu tháng 1/2018, Green Pool đã tăng dự báo dư thừa đường lên tới 10,43 triệu tấn, do thời tiết gió mùa ở Châu Á là thuận lợi, làm tăng sản lượng đường của Thái Lan lên 11,9 triệu tấn và Ấn Độ lên 25,4 triệu tấn, khiến tỷ lệ tồn kho so với sử dụng lên tới 48,4%, cao nhất trong vòng 15 năm nay. Cơ quan này lưu ý rằng điều này có thể đẩy giá đường xuống thấp hơn vì mức hiện tại không phản ánh sự thừa cung. Đối với niên vụ 2018/19, Green Pool giảm dự báo sản lượng đường tại Trung Nam Brazil còn 32,7 triệu tấn, do mía dành cho sản xuất ethanol lên tới 57,3%.