Ngành Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân gần 24.000 tỷ vốn đầu tư công
Đến cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được 71.200/95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ giao kế hoạch năm, lũy kế đạt 75,6%. Mặc dù dẫn đầu các bộ, ngành, địa phương về giải ngân, song số vốn còn lại gần 24.000 tỷ đồng của năm khá lớn, trong khi chỉ còn gần 2 tháng, yêu cầu ngành phải quyết liệt tăng tốc mới đảm bảo tiến độ.
- 03-12-2023Thấy gì con số giải ngân đầu tư công của TPHCM sau 11 tháng?
- 29-11-2023Năm 2023, Hà Nội dự kiến giải ngân đầu tư công đạt 91% kế hoạch
- 28-11-2023Còn 247.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết tháng 11/2023, Bộ GTVT đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có giá trị giải ngân vốn đầu tư công. Đứng thứ hai là Hà Nội, giải ngân gần 32.600 tỷ đồng, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh gần 28.800 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng hơn 16.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 13.800 tỷ đồng, Hải Phòng gần 13.400 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 11.500 tỷ đồng, Long An hơn 9.900 tỷ đồng...
Để có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT đã thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân. Nếu các năm trước, căn cứ tiến độ triển khai dự án để xây dựng kế hoạch, năm 2023, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công phù hợp; chỉ đạo nhà thầu thực hiện nhiều giải pháp; phối hợp với địa phương giải quyết nhanh mặt bằng, mỏ vật liệu; thi công tăng ca kíp, mũi thi công và nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành...
Quan trọng nhất, Bộ GTVT gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, dự án giải ngân và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm. Riêng đối với công trình trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc Nam phía Đông cả 2 giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 Bộ GTVT xác định tập trung thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không phụ thuộc nguồn vật liệu như cầu, cống; những vị trí có mặt bằng, sẵn vật liệu thi công cuốn chiếu, thi công đến đâu làm móng mặt đường đến đó...
Tuy nhiên hiện nay, áp lực hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong gần 2 tháng cuối năm của Bộ GTVT không nhỏ. Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư, nhà thầu linh hoạt các phương án thi công, tranh thủ mọi điều kiện thời tiết thuận lợi, có mỏ vật liệu đến đâu cung cấp công trường thi công đến đó.
Đơn cử như tại dự án cao tốc thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 85 làm đại diện chủ đầu tư, thời gian mùa mưa vừa qua kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, các hạng mục đào đắp, gia tải, lu lèn nền đường... đều phải tạm dừng, Ban đa yêu cầu nhà thầu chuyển sang làm cầu, đúc phụ kiện ngay trong điều kiện thời tiết mưa gió. Bộ GTVT giao kế hoạch vốn năm 2023 cho Ban Quản lý dự án 85 gần 5.000 tỷ đồng, đến hết tháng 11, Ban đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng, đạt 73,1%, còn khoảng 27% Ban đã tính toán các phương án để đảm bảo giải ngân hết trong năm 2023.
Hay tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu năm 2023, Ban Quản lý dự án 6 được giao 1.667 tỷ đồng vốn đầu tư công, hiện đã giải ngân 1.313 tỷ đồng (đạt 78%). Từ nay đến cuối năm, Ban và các nhà thầu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch. Để đạt được kết quả này, Ban đã đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh công tác nội nghiệp, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thanh toán, làm việc ca đêm.
Hai dự án lớn là cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang cũng đang chạy đua thi công phần nền đường, cầu cống. Trong năm 2023, dự án Chí Thạnh - Vân Phong được giao kế hoạch vốn là 3.500 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.300 tỷ đồng. Cao tốc Vân Phong - Nha Trang được giao hơn 4.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 3.100 tỷ đồng...
Báo tin tức