MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam: Viễn cảnh nào cho các nhà đầu tư?

Sản lượng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau thời kỳ suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

Thời kỳ vàng của Việt Nam để phát triển năng lượng mặt trời

Tháng 6/2020, Tập đoàn Giải pháp Năng lượng Sharp (SESJ) đã hoàn thiện nhà máy điện mặt trời công suất lớn tại tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy được kỳ vọng sẽ sản xuất tới 76.373 megawatt giờ (MWh) mỗi năm. Đây là nhà máy mới nhất, bên cạnh năm nhà máy điện mặt trời hiện nay của SESJ tại Việt Nam.

Sharp là một trong số nhiều công ty đầu tư thu lợi từ sự khao khát phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam bằng cách đầu tư vào các dự án điện mặt trời quy mô lớn. Sau khi Việt Nam trở lại từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, nhu cầu về năng lượng của đất nước được kỳ vọng sẽ gia tăng tới 10% một năm cho đến cuối năm 2020, và gia tăng 8% mỗi năm trong 10 năm tiếp theo.

Nhiều năm qua, giống như những quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá như một sự lựa chọn chi phí thấp và dễ dàng để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ và những vấn đề môi trường đang gia tăng đã biến các loại năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn. 

Năm 2017, năng lượng mặt trời hầu như không có vai trò gì trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam. Nhưng đến cuối năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan để trở thành quốc gia sở hữu công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Sản lượng của các dự án quang điện tại Việt Nam đã đạt đến 5 gigawatt (GW), vượt xa mục tiêu 1GW của Chính phủ vào năm 2020.

Những nhận định sau tập trung vào cơn sốt năng lượng mặt trời gần đây của Việt Nam, cùng với tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời trong tương lai tại đây.

Chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh còn thay đổi

Đóng vai trò lớn trong những thành công gần đây của Việt Nam trong ngành năng lượng mặt trời chính là các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (FIT). Các chính sách này khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng cách đảm bảo một mức giá cao hơn thị trường dành cho các nhà sản xuất. Khi các nhà sản xuất thường tham gia vào các hợp đồng dài hạn, thì FIT giúp giảm thiểu các nguy cơ vốn có trong các dự án năng lượng tái tạo.

Tháng 4/2020, Chính phủ đã hoàn thiện các chính sách mới dành cho điện mặt trời, 10 tháng sau khi chương trình FIT trước đó hết hiệu lực vào tháng 6/2019. Các chính sách mới thấp hơn các chính sách cũ khoảng 10 – 24% và vẫn khá tương đồng giữa các vùng, miền, mặc dù có một số khác biệt về loại hình (lắp đặt trên mặt đất, nổi trôi, lắp đặt trên mái nhà).

Theo quyết định mới, các dự án điện mặt trời phải được đưa vào hoạt động thương mại trước ngày 31/12/2020 để có thể được hưởng các biểu giá FIT mới. Việc Chính phủ ban hành chính sách muộn khiến các nhà đầu tư điện mặt trời có rất ít thời gian để triển khai thực hiện.

Với sự gián đoạn nguồn cung hiện tại từ Trung Quốc ảnh hưởng đến việc giao hàng các pin và mô-đun điện mặt trời, cùng với những bất ổn kinh tế khác do đại dịch gây ra, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để hoạt động được trước thời hạn quy định. Vì vậy, các đơn vị tư vấn như FitchSolutions đang hi vọng rằng chương trình FIT mới sẽ không phải là động lực chính thúc đẩy đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Nhìn xa hơn, Việt Nam vẫn dự định thực hiện cơ chế đấu thầu trong tương lai. Tất cả các dự án không đạt yêu cầu để áp dụng biểu phí FIT mới sẽ phải trải qua một quy trình đấu thầu hết sức cạnh tranh. Cơ chế này sẽ giúp Chính phủ quản lý tốt hơn việc phát triển năng lượng sạch trên cả nước, bằng cách trao cho Chính phủ quyền mời thầu và lựa chọn những doanh nghiệp có mức giá cạnh tranh nhất.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang các biện pháp khác ngoài chương trình FIT có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến do các dự án quang điện quy mô lớn chưa được xây dựng chỉ vừa mới được phê duyệt để nhận các ưu đãi FIT. Việc thu hút đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện một quá trình đấu thầu minh bạch và các biện pháp khuyến khích khác một cách kịp thời.

Cam kết lâu dài trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời

Chương trình FIT sửa đổi được ban hành ngay sau khi Chính phủ tuyên bố rằng họ dự định tăng gấp đôi sản lượng sản xuất điện trong thập kỷ tiếp theo. Điều này sẽ làm gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20% trong nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện sản xuất từ than đá.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề cương Quy hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia thứ 18. Quy hoạch này dự kiến được hoàn thành vào cuối năm nay cho giai đoạn 2021 – 2030, với tầm nhìn đến 2045. Việc phát triển và thu hút đầu tư vào năng lượng đầu tư được xác định là hai trong số các ưu tiên quan trọng trong bản Quy hoạch này.

Bên cạnh việc soạn thảo Quy hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Tờ trình số 544/TTr-BCT ngày 21/01/2020 về việc ban hành đề án thí điểm về cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.

Chương trình thí điểm này sẽ cho phép các nhà sản xuất điện được bán và cung cấp điện cho các khách hàng doanh nghiệp thay vì thông qua một công ty điện lực quốc doanh. Bộ Công Thương đề xuất thực hiện chương trình thí điểm trong 02 năm và đặt ra các tiêu chí tham gia cho các nhà sản xuất điện và khách hàng mua điện tư nhân. Sản lượng điện dự kiến trong khoảng 400 – 1.000 MW và được giao dịch trên toàn quốc.

Bất chấp một số ý kiến chỉ trích về phạm vi hạn chế của Chương trình thí điểm này, đề xuất của Bộ Công Thương là một sự tiến bộ tích cực trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam là một quốc gia phát triển năng lượng mặt trời một cách nghiêm túc và sẵn sàng triển khai các cơ chế hỗ trợ để giữ chân các nhà đầu tư quan tâm đến ngành năng lượng tái tạo.

Nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác

Ngoài những sự bất ổn trong cơ chế đầu tư trong tương lai, còn có những yếu tố khác mà cả các nhà đầu tư và cơ quan quản lý cần xem xét khi Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng mặt trời.

Đầu tiên, còn có một số hạn chế về hạ tầng gây cản trở việc truyền tải năng lượng. Phần lớn các nhà máy điện mặt trời chú trọng vào khu vực miền Nam nhiều nắng, nơi thường gây quá tải mạng lưới điện. Trong khi đó, một số nhà máy điện mặt trời phải đối mặt với việc chậm trễ đưa vào hoạt động do các đường dây tải điện chưa hoàn thành.

Do đó, việc truyền tải điện tới các trung tâm kinh tế và các thành phố phía Bắc còn là một trở ngại. Quy hoạch phát triển năng lượng mới dự định giải quyết vấn đề này bằng cách đảm bảo việc phát triển năng lượng được cân đối giữa các vùng miền, và rằng các mạng lưới điện được kết nối đầy đủ trong lãnh thổ Việt Nam và với các quốc gia lân cận.

Ngoài ra, các dự án điện mặt trời lắp đặt trên mặt đất cũng cần chú ý đến các quyền sử dụng đất, một vấn đề lớn tại Việt Nam. Mặc dù các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các miễn trừ phí sử dụng và tiền thuê đất, nhưng các thủ tục hành chính có thể rất mất thời gian và gây ra những chậm trễ đáng kể.

Vẫn còn những sự bất ổn liên quan đến tương lai của than đá tại Việt Nam. Mặc dù Quy hoạch mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, nhưng sản lượng nhập khẩu than đá của Việt Nam trong nửa năm đầu 2020 vẫn tăng 53,8% so với năm trước, cao kỷ lục. Theo Bộ Công Thương, các nhà máy nhiệt điện chiếm khoảng 35% sản lượng điện toàn quốc.

Bộ này cũng dự đoán rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt điện trầm trọng khi việc xây dựng các nhà máy điện mới chậm trễ hơn tốc độ gia tăng nhu cầu về điện. Vì vậy, có vẻ như than đá sẽ tiếp tục được sử dụng để lấp đầy khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu về điện trong các năm tới.

Dù vậy, cũng có những dấu hiệu cho thấy sự giảm dần về mối quan tâm đối với than đá. Phần lớn các quy hoạch sản lượng nhiệt điện hầu như đã bị đẩy lùi hoặc hoãn lại. Mặc dù việc tham nhũng được đồn đại và những khó khăn kỹ thuật phần nào lý giải cho những chậm trễ này, nhưng sự phản đối từ người dân địa phương và làn sóng giảm sử dụng nhiệt điện trên toàn cầu cũng là những nhân tố quan trọng.

Ví dụ, các bên cho vay từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã rút lại vốn đầu tư của họ khỏi các dự án nhiệt điện, trong khi các công ty Trung Quốc bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về những rủi ro khi tiếp tục đầu tư vào than đá. Với quy hoạch chiến lược phù hợp và những hỗ trợ đầu tư ngày càng nhiều, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội do sự bùng nổ điện mặt trời mang lại, cũng như củng cố vị thế dẫn đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.

Thư Thư

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên