Ngành nào “hot” 2017?
Trong 3 năm gần nhất, mỗi năm TTCK có một ngành “hot” khi CP tăng giá khủng, thanh khoản lớn, tạo ra lợi nhuận cao. Xi măng và đặc biệt là dầu khí đã bùng nổ trong năm 2014, năm 2015 đến lượt CP ngân hàng và nhóm hưởng lợi từ TPP, sang đến 2016 CP thép lại là nhóm có khả năng sinh lời tốt nhất. Vậy năm 2017 sẽ là “thời” của CP nào?
- 31-12-2016Đầu tư thế nào năm 2017?
- 30-12-2016VCBS: Những cổ phiếu ngành đá xây dựng có triển vọng khả quan trong năm 2017
- 30-12-2016[Chọn cổ phiếu] Cổ phiếu bị định giá thấp hơn thị trường và còn dư địa tăng trưởng trong năm 2017
- 27-12-2016Năm 2017, cổ phiếu nào của ngành thép sẽ hấp dẫn?
Thông thường để một nhóm CP trở nên “hot” sẽ có 3 đặc tính khá rõ ràng:
1. Đó là xu thế khó khăn của ngành đã rơi xuống đáy và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tiêu biểu nhất là ngành xi măng 2014 và ngành thép 2016. Ngành thép đã trải qua 2 năm 2014 và 2015 cực kỳ khó khăn khi giá dầu giảm, trong khi xi măng cũng có từng đó năm (thậm chí hơn) không thuận lợi. Nếu như năm 2016, giá thép phục hồi mạnh cùng với đà phục hồi của hàng hóa thế giới, thì xi măng 2014 phục hồi cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng như hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cuối năm 2016, thị trường ghi nhận sự phục hồi của nhóm CP ngành cao su với TRC, PHR, DPR… khi giá cao su có xu hướng tăng trở lại. Điều tương tự cũng xuất hiện với nhóm CP than như TC6, TDN, TCS… tuy nhiên đà tăng không duy trì được lâu. Bảo hiểm cũng là nhóm CP tăng giá ấn tượng trong nửa cuối năm 2016, nhưng đà tăng không thể kéo dài được. Một phần CP bảo hiểm cũng không đủ số lượng cũng như hấp lực về mặt thông tin. Mặc dù xét về định giá cũng như tiềm năng trong dài hạn hiện nay, nhiều CP bảo hiểm vẫn rất hấp dẫn. Vấn đề của CP cao su hay than dường như nhóm này chưa bao giờ cho thấy khả năng thuyết phục NĐT trên diện rộng.
Sự phục hồi của nhóm CP ngân hàng năm 2015 là một minh chứng. Vốn dĩ nhóm CP này một thời được gọi là CP “vua” cả về vốn hóa, thanh khoản, vị thế, vậy nên khi thức giấc sẽ tạo ra cảm giác thân thuộc cho NĐT và dòng tiền không dừng đổ vào. Những ngày đầu năm 2016, giá dầu đã tăng mạnh tạo ra sự kỳ vọng về nhóm dầu khí sẽ lấy lại phong độ như 3 năm trước. Dù vậy, sóng của CP dầu khí năm 2014 có thể ví như sóng thần, mà sóng thần thì không dễ lặp lại trong thời gian ngắn.
2. Liên quan đến hàng hóa, cả CP dầu khí, ngân hàng lẫn xi măng khi phục hồi mạnh đều có chung đặc điểm, đó là lượng hàng hóa trên thị trường khá “cô đặc” thay vì ở mức độ dàn trải. Nghĩa là mặc dù thanh khoản không thấp, nhưng một thời gian dài lặng sóng, những CP này thường chỉ nằm giới hạn trong một số NĐT nắm giữ với mục tiêu tính bằng năm thay vì lướt sóng kiếm lời. Cũng vì vậy, khi CP đi từ chân sóng đến giữa sóng, dù khá bùng nổ về giá, nhưng lượng cung chốt lời không quá lớn khiến cho lượng CP lưu hành không nhiều, tạo điều kiện cho CP dễ bật lên hơn.
Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường dành sự chú ý khá nhiều cho 2 CP thuộc hàng lão làng trên sàn là REE và FPT. Đây là 2 CP trải qua một thời gian dài không có nhiều sức bật, đặc biệt là REE. Khi mà nhiều CP khác đã tăng rất mạnh thì REE hay FPT với vị thế của mình bỗng chốc được nhìn nhận là có mức định giá hấp dẫn. REE đã có một loạt phiên tăng tích cực từ 2.2 lên 2.5, FPT từ 4.2 lên 4.5. Đâu đó NĐT có thể kỳ vọng vào một sự phục hồi của nhóm CP “lão làng”, nhưng tiêu chí này dường như không có sự liên quan mật thiết nên khả năng xảy ra vẫn còn là ẩn số.
Chiếu theo các tiêu chí này, có thể tìm ra một “ứng viên” đó là nhóm CP CK. Đây là nhóm gần như lặng sóng trong cả năm 2016 mặc dù thị trường diễn biến rất thuận lợi. Tất nhiên nhóm CP CK giờ cũng cô đặc khi không còn nhiều người nghĩ đến chuyện có thể lướt sóng CP CK trong ngắn hạn. Dù vậy, khẩu vị của NĐT đã đến lúc “thích” CP CK trở lại hay chưa lại là một ẩn số.
Liệu bất động sản có là ngành hot trong năm 2017 trên TTCK?Ảnh: LONG THANH
3. Chính là yếu tố giá cả, thường thì giá phải ở mức độ rất hấp dẫn cả về định giá lẫn thị giá, một số CP xi măng bùng nổ trở lại khi giá còn dưới mệnh giá 1.0, tương tự là một số CP thép, CP ngân hàng cũng “bùng nổ” khi một số mã chỉ hơn 1.0. Xét trên các yếu tố này, hiện có một số nhóm CP đang có thị giá và cả định giá tương tự như các “bom tấn” thép và xi măng đó là CK và bất động sản.
Điều khá kỳ lạ là thị trường bất động sản năm 2016 rất tích cực, nhưng CP bất động sản gần như lặng sóng, chỉ bùng nổ ở nhóm xây dựng. Nói đơn cử như DIG, hiện chỉ có giá 7.700 đồng/CP, trong khoảng chục phiên gần đây thanh khoản thường ở mức vài trăm ngàn CP/phiên. DIG cũng có một vài đợt sóng và thu hút các NĐT, tuy nhiên các bước giá không lớn. Và dường như những tín hiệu phục hồi của CP này chưa rõ ràng nên sự bùng nổ là chưa đủ để “hút khách”.
Hay như trường hợp của DXG, đã tăng khá tốt trong nửa đầu tháng 11-2016 từ 11.500 đồng/CP lên đến hơn 14.000 đồng/CP, nhưng sau đó lại là những phiên điều chỉnh khá mạnh, áp lực bán ra lớn và hiện chỉ còn hơn 12.300 đồng/CP. Có lẽ, nhóm bất động sản và CK đều có chung một vướng mắc đó là vẫn chưa tạo ra được sự hấp dẫn cho các NĐT. Riêng bất động sản, mặc dù chưa tăng nhưng năm nay lại đang có những nhận định tương đối trái chiều nhau về triển vọng của ngành.
Cao su, than, bất động sản, CK… hay một ngành nào đó sẽ trở thành CP hot? Thực tế, việc dự báo nhóm CP “hot” chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mặt khác, cũng không dễ nhìn ra được nhóm CP “hot” ở chân sóng, thông thường các tín hiệu chỉ hiện rõ khi sóng đã đi được một đoạn, tức giá CP tăng từ 50-100%. Và điều khó dự báo nhất chính là “khẩu vị” của thị trường.
Sài gòn đầu tư