Ngành nào sẽ được hưởng lợi từ gói 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng với gói kích thích tăng trưởng kinh tế 350.000 tỉ đồng hướng đến đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng sẽ có lợi thế cho thị trường bất động sản.
- 19-01-2022Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ 'lên ngôi'?
- 19-01-2022Vì sao biến động trên thị trường chứng khoán thường không được xem là tín hiệu cho những sự kiện kinh tế?
- 19-01-20224 điểm mới liên quan đến kinh doanh bất động sản đáng chú ý tại Nghị định 02/2022/NĐ-CP
Ngày 18-1, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19".
Tại đây, các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng, ổn định vĩ mô, chống lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt được với điều kiện phải "nắn" dòng vốn vào sản xuất, xuất khẩu, đồng thời điều hành chống dịch thích ứng, an toàn đồng bộ cả nước, không để doanh nghiệp mất niềm tin.
PGS- TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định câu chuyện về hỗ trợ lãi suất hiệu quả làm sao đạt tốc độ tăng trưởng GDP kỳ vọng 6,5% hay có khi đến 7,5% nếu điều kiện trụ đỡ quan trọng là xuất khẩu tốt. Đặc biệt, cần đưa ra các giải pháp liên quan bất động sản xanh, khơi thông dự án và quan trọng là hướng dòng tiền vào thị trường chứng khoán sao cho bền vững, ổn định; tránh tạo ra kênh đầu cơ, lướt sóng, ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, TS Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng thị trường chứng khoán vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới khi số lượng nhà đầu tư chứng khoán còn rất thấp cho số số tài khoản ngân hàng cũng như so với tỉ lệ dân số.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực được các chuyên gia dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2022. Ảnh: Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP HCM.
PGS- TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng - ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng năm 2022 để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đi kèm là gói kích thích kinh tế 350.000 tỉ đồng mà Chính phủ đặt ra thì Việt Nam phải vượt qua nhiều thích thức. Ngoài kiểm soát cung tiền, chống tăng chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng thì thách thức lớn là lệch pha của gói hỗ trợ là rất lớn.
Việc phát triển kinh tế thực và phát triển riêng của ngành tài chính ngân hàng cần được kiểm soát, bởi có những ngành khó tăng trưởng ngay mà cần có độ trễ, nhất là ngành liên quan đến sản xuất có thâm hụt lao động, trong khi ngành tài chính, ngân hàng lại "chạy" nhanh. Nếu kinh tế phát triển không dựa trên nền kinh tế "khoẻ" thì sẽ kéo theo nhiều lo lắng đến bong bóng tài sản, nợ xấu…
"Quan trọng là kiểm soát tỉ giá vì thế giới đang trong tình trạng tăng trưởng chậm so với Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ nên lấy đầu tư công làm mũi nhọn để phát triển ổn định năm 2022 thì thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội phát triển, vì hạ tầng đến đâu, bất động sản đi theo đến đó" - PGS- TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Trường ĐH Fullbright Việt Nam, cũng đồng tình với việc đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh theo thích ứng an toàn, nếu dịch "bùng phát" thì không phong tỏa, vẫn duy trì là động lực lớn cho kinh tế.
TS Lê Quang Minh, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ không tăng mạnh được như năm 2021 vì dòng tiền có thể dịch chuyển trở lại sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư đang nhiều và dư địa còn có thể tăng mạnh đến 50 triệu tài khoản chứ không chỉ 3-4 triệu như hiện tại thì thị trường chứng khoán Việt Nam tương lai sẽ còn phát triển. Tuy nhiên, dòng tiền sẽ đi vào các nhóm cổ phiếu đâu tư giá trị, phát triển ổn định thay vì đổ vào đầu cơ, lướt sóng tăng nóng. Đặc biệt, nhóm ngành bất động sản, ngân hàng sẽ thu hút dòng tiền trong năm 2022.
Người lao động