Ngành nào thưởng Tết 2018 cao?
Theo các chuyên gia, bức tranh thưởng Tết 2018 sẽ có nhiều khả quan, trong đó, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, dịch vụ du lịch được kỳ vọng có mức thưởng đột biến.
- 14-12-2017Doanh nghiệp gặp khó, thưởng Tết vẫn tăng nhẹ
- 12-12-2017Thưởng Tết chờ... nghị định
- 30-11-2017Mức thưởng Tết phải thông báo cho người lao động trước 31/12
Tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng tới thưởng tết
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, đã yêu cầu các địa phương trên cả nước tập hợp tình hình tiền lương năm 2017 và kế hoạch thưởng Tết 2018 của doanh nghiệp (DN), gửi báo cáo lên Bộ trước ngày 31/12. Dù chưa có số liệu chính thức, song bà Minh nhận định mức thưởng Tết năm nay nhìn chung sẽ khả quan. “Thời điểm hiện tại, các DN đang lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu tăng nhẹ từ 1/1/2018. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thưởng Tết vì đây là thành quả kinh doanh của năm 2017”, bà Minh nói.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận định, đa phần DN năm nay sẽ theo xu hướng thưởng Tết bằng 1 tháng lương cho người lao động. “Trong bối cảnh hiện nay, muốn giữ chân lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ DN phải có chính sách đãi ngộ phù hợp, ghi nhận sự cống hiến của người lao động”, ông Phòng cho biết.
Năm 2017, bình quân mức thưởng Tết Nguyên đán của người lao động trên cả nước khoảng 4,9 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất cho cá nhân là 1 tỷ đồng tại DN dân doanh ở TP HCM. Mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng mỗi người tại DN ở Bến Tre. Riêng khối ngân hàng, năm 2017 có mức thưởng từ 3-7 tháng lương.
Mới đây, khảo sát tình hình lương, thưởng năm 2017 trên 592 công ty trong 16 ngành nghề của Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet và Mercer cho thấy, tỷ lệ tăng lương năm 2017 và dự kiến năm 2018 của các công ty Việt Nam sẽ cao hơn mức tăng của lạm phát.
Theo đó, tỷ lệ thưởng ở các công ty Việt Nam so với lương cơ bản là 22,1%. Tỷ lệ này ở các công ty nước ngoài thấp hơn, là 16,6%.Các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tài chính có mức thưởng tăng nhẹ so với các ngành khác; lần lượt là 22,1%; 20,7% và 20,7%. Các công ty lớn ở Việt Nam tiếp tục có mức thưởng cao hơn so với các công ty nước ngoài. 3 ngành có tỷ lệ thưởng thấp nhất là bán lẻ, kho vận và giáo dục.
Nhận định mức thưởng Tết giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: “Bề mặt chung, tiền thưởng vẫn sẽ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Riêng với một số ngành sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản… dù có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn giữ được sự ổn định. Vì vậy, nhiều khả năng DN thuộc các ngành này vẫn sẽ giữ được mức thưởng như các năm trước. Không loại trừ, DN trong các lĩnh vực này còn có những chính sách chăm sóc riêng ngoài chế độ lương, thưởng Tết như tặng quà, tặng vé tàu, xe… Dự báo năm nay, ngành Ngân hàng có thể thưởng trên 3 tháng lương. Ngoài ra, bất động sản, dịch vụ du lịch… là những ngành tăng trưởng tốt nên có thể có đột biến về thưởng Tết”.
Thưởng tết ngân hàng chờ “chốt sổ”
Năm 2017 được cho là năm kinh doanh tốt nhất về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của 23 ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế các đơn vị này đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2016. Nhiều ngân hàng cũng đã xuất hiện trong nhóm DN đạt lợi nhuận cao nhất. Chẳng hạn như Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế gần 8.000 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ 2016. Tiếp theo là VietinBank với kết quả lợi nhuận đạt hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ… Đáng chú ý, một số ngân hàng sau thời gian dài khó khăn cũng đã vươn lên báo lãi nghìn tỷ đồng. Điển hình là Sacombank, lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập thuần từ lãi đạt 3.759 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 1.025 tỷ đồng và 771 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Mới đây nhất, báo cáo tài chính của LienVietPostBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong 11 tháng năm 2017 đã đạt 1.836 tỷ đồng, vượt hơn 20% so với kế hoạch đề ra cho cả năm, báo lãi trước thuế hơn 1.800 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm.
Nhận định về tình hình thưởng Tết của khối ngân hàng, ông Hiếu cho hay: “Tăng trưởng tín dụng tốt khiến hệ thống ngân hàng có khả năng sinh lời cao hơn những năm trước, nhưng tình hình cụ thể lợi nhuận ra sao vẫn phải đợi tới lúc “đóng sổ” hết năm. Đặc biệt, tháng 12 là tháng các ngân hàng dồn sức chạy chỉ tiêu, trích lập dự phòng, điều chỉnh hoạt động thu-chi…tất cả các hoạt động này sẽ tác động rất mạnh tới bảng cân đối kế toán của ngân hàng; cũng là cơ sở quyết định mức lương, thưởng Tết của người lao động”, ông Hiếu nói.
Báo giao thông