“Ngành ngân hàng đã bứt qua giai đoạn xử lý nợ xấu"
Đó là nhận định của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset. Ông cho rằng ngành ngân hàng đã bứt qua giai đoạn xử lý nợ xấu và đi tới xu hướng phát triển về sản phẩm và dịch vụ.
- 14-02-2021Số hóa ngân hàng: Trong nguy có cơ
- 05-01-2021Chính phủ giao nhiệm vụ gì cho ngành ngân hàng 2021?
- 01-01-2021Ngành ngân hàng năm 2021: Nhiều gam màu lạc quan nhưng không quên cẩn trọng
Năm 2020, bất chấp những khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19, nhiều nhà băng vẫn báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2019.
Các báo cáo tài chính được công bố cũng cho thấy bức tranh nợ xấu không quá ‘xấu’ như những dự báo ở thời điểm đại dịch bùng phát. Nhiều nhà băng cũng công bố các chỉ tiêu thể hiện chất lượng tài sản tốt và đã có tinh thần sẵn sàng ứng phó với nợ xấu tương lai thông qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao.
Trao đổi với VietTimes, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng đã cải thiện rõ rệt so với trước đây.
Trích dẫn số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 22 ngân hàng đang niêm yết, ông Tuấn cho biết tổng tỷ lệ nợ xấu 2020 giảm hơn 0.1% còn 1,4%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhóm này đạt trung bình 68%. Trong đó, nổi bật là VCB với tỷ lệ bao phủ nợ xấu 269.69% và tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0.6%.
"Ngành ngân hàng đã bứt qua giai đoạn xử lý nợ xấu, đi tới xu hướng phát triển về sản phẩm và dịch vụ nhằm tăng thu nhập phi tín dụng. Số hóa ngân hàng là một trong các vấn đề trọng tâm, và sẽ giúp ngành phát triển bền vững trong thời gian tới" – ông Tuấn dự báo.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01) trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng được đánh giá là có tác động tích cực đến bức tranh nợ xấu.
Trước những nghi ngại về tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng cao sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực, ông Huỳnh Minh Tuấn tỏ ra lạc quan.
Lấy ví dụ về Vietcombank, vị chuyên gia này cho biết nếu đem toàn bộ quỹ dự phòng nợ xấu trừ đi hết nợ từ nhóm 2 trở đi thì nhà băng này vẫn còn dư ra 3,5 nghìn tỉ đồng.
Điều này cho thấy, dù thông tư 01 hết hiệu lực, thì cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến bức tranh nợ xấu của ngân hàng do các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn tấm đệm dự phòng khá tốt. Và khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn trở lại sau dịch bệnh thì cũng sẽ giúp rủi ro nợ xấu ở các ngân hàng sẽ giảm theo.
Ông Tuấn dự báo ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế hồi phục trở lại. Đồng thời, nhóm ngành này sẽ có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán sau dịp Tết nguyên đán 2021.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng hôm 6/1, bộ phận nghiên cứu của SSI đánh giá hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.
Theo ước tính của SSI, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020. Nếu coi nợ tái cấu trúc là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này giảm còn 2,6 lần, tương đương năm 2017.
Năm 2021, bộ phận nghiên cứu của SSI ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng +21,0% so với cùng kỳ.
Trong đó, các NHTM quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng LNTT cao hơn (+ 30%) so với NHTM cổ phần (+17,2%) do LNTT 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp (-6% so với 2019)./.
Viettimes