MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ô tô thế giới thêm điêu đứng vì thiếu chip

13-01-2021 - 10:14 AM | Thị trường

Ngành ô tô thế giới thêm điêu đứng vì thiếu chip

Hơn một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tìm ra những “chiêu” mới để vùi dập các nhà sản xuất ô tô. Tình trạng thiếu chip bán dẫn khiến các hãng ô tô thậm chí khó duy trì sản xuất chứ chưa nói đến mở rộng.

Sau khi gây "tổn thương" nghiêm trọng nhu cầu ô tô, virus Covid-19 đang cản trở nguồn cung cấp linh kiện, làm thiếu hụt nghiêm trọng chip bán dẫn giữa bối cảnh nhu cầu tăng vọt từ các hãng điện tử như Apple.

Dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị chơi game… tăng vọt. Các nhà sản xuất chip đã hoạt động gần hết công suất nhưng cũng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả các khách hàng. Họ có xu hướng ưu tiêu cung cấp chip cho các tập đoàn công nghệ hơn là các hãng sản xuất ô tô. Ngay cả trong lĩnh vực ô tô thì thứ tự được ưu tiên cũng là các hãng lớn trước, hãng bé sau.

Tình trạng thiếu hụt có nguy cơ kéo dài do việc phong tỏa và hạn chế đi lại khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua các đồ điện tử có thể kết nối mạng. Các hãng sản xuất ô tô, từ Toyota Motor Corp. đến Volkswagen AG đều bị nguy cơ không có đủ linh kiện để hồi phục ngành sản xuất ô tô sau đại dịch.

Glen De Vos, giám đốc phụ trách công nghệ của nhà cung cấp linh kiện xe hơi Aptiv Plc, cho biết: "Khách hàng không thể sản xuất ô tô vì họ không thể mua đầy đủ các bộ phận" và "Bản thân chúng tôi cũng đã bị ảnh hưởng nên không thể hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng".

Các nhà sản xuất bán dẫn ưu tiên cung cấp chip cho các hãng điện tử vì đơn hàng của họ lớn hơn nhiều so với đơn hàng của các nhà sản xuất ô tô. Chỉ riêng thị trường điện thoại thông minh hàng năm đã gồm hơn 1 tỷ thiết bị, trong khi ô tô mỗi năm chỉ dưới 100 triệu chiếc.

Trong khi những ô tô mới cần nhiều chip hơn thì các thiết bị tiêu dùng cũng tương tự như vậy. Điện thoại thông minh kết nối 5G cần các chất bán dẫn nhiều hơn tới 40% so với điện thoại 4G. Hãng sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. tuần trước thông báo doanh thu quý IV/2020 đạt kỷ lục cao, trong đó điện thoại iPhone 5G chiếm già nửa.

De Vos cho biết, sự thiếu hụt chip tự động bắt nguồn từ những dự đoán quá thận trọng đưa ra hồi đầu năm ngoái, khi các hãng sản xuất ô tô phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Sau khi các nhà máy hoạt động trở lại, doanh số bán xe hồi phục mạnh hơn dự kiến sau khi các Chính phủ tung ra những gói kích cầu và người dân tránh sử dụng các phương tiện công cộng nên phải mua xe riêng.

Trong khi đó, các hãng sản xuất bán dẫn như TSMC, United Microelectronics Corp và Globalfoundries Inc. cũng như các nhà lắp ráp chip như ASE Technology Holding Co. đã không mở rộng sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến do đại dịch gây ra đối với các thiết bị tiêu dùng.

Khó khăn của ngành công nghiêp bán dẫn trong việc mở rộng nhanh công suất sản xuất là do trong ngành này, sản xuất và phát triển là 2 quá trình riêng biệt, và mỗi nhà sản xuất chỉ chuyên về một nhiệm vụ cụ thể. Các công ty chip thường thuê những nhà sản xuất hợp đồng gia công thay vì tự mình sản xuất chip. Việc sản xuất các linh kiện bán dẫn rất mất thời gian và đơn vị sản xuất phải thiết lập lại dây chuyền nhằm phù hợp hơn với những thông số kỹ thuật khác nhau. Do đó, việc sản xuất các con chip khác nhau cùng một lúc là rất khó khăn.

Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donal Trump đưa Tập đoàn Semiconductor Manufacturing International Corp. của Trung Quốc vào danh sách đen thồi tháng 12/2020 cũng tạo ra xu hướng khách hàng tìm kiếm những giải pháp thay thế phòng khi nguồn cung chip trên toàn cầu bị hạn hẹp hơn nữa. Một số khách hàng đã và đang tích trữ chất bán dẫn để phòng ngừa sự thiếu hụt trong tương lai.

Các linh kiện bán dẫn đã trở nên quan trọng hơn đối với ngành công nghiệp ô tô khi xe điện cùng công nghệ tự động lái đang dần trở nên phổ biến hơn. Theo KPMG Japan, một chiếc xe điện sử dụng linh kiện bán dẫn nhiều gấp đôi so với một chiếc xe chạy bằng xăng.

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đang tranh giành nhau để mua linh kiện/phụ tùng bởi những công ty linh kiện/phụ tùng ô tô đến từ Đức, như Continental và Bosch, không thể cung cấp đúng thời hạn do thiếu hụt chip. Những linh kiện bán dẫn được mua từ các công ty lớn như NXP Semiconductors (Hà Lan – Mỹ) hay STMicroelectronics (Thụy Sĩ) đều đã quá cũ.

Do thiếu hụt linh kiện bán dẫn, Toyota Motor đã quyết định giảm sản lượng cho dòng xe bán tải Tundra của mình tại nhà máy ở bang Texas (Mỹ). Hồi tháng 12, một đại diện của Toyota đã thông tin với những công ty phụ tùng ô tô ở Nhật Bản rằng công ty vẫn chưa xác định được liệu có thể đảm bảo duy trì đủ các linh kiện bán dẫn hay không.

Nissan Motor cũng sẽ cắt giảm sản lượng cho dòng xe flagship Note của mình xuống còn 5.000 chiếc trong tháng 1, có thể kéo dài đến tháng 2. Trong khi đó, Volkswagen đã đưa ra thông báo cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và Châu Âu. SEAT, một hãng xe đến từ Tây Ban Nha và cũng là một công ty con của Volkswagen, cũng sẽ cắt giảm sản lượng từ cuối tháng 1 cho đến tháng 4. Honda cũng đã quyết định giảm sản lượng mẫu xe mini Fit của mình xuống còn 4.000 chiếc tại một nhà máy ở tỉnh Mie, Nhật Bản trong tháng này.

Nhìn chung, sự khan hiếm chip đã trở thành một vấn đề mới đối với ngành công nghiệp ô tô, nhất là khi sản xuất những chiếc ô tô mới ngày càng cần nhiều thứ tinh vi và phức tạp hơn. Dự kiến tình trạng thiếu chip sẽ còn tiếp tục cản trở đà hồi phục của ngành này do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Tham khảo: Bloomberg

Vũ Ngọc Diệp

Kinh doanh và phát triển

Trở lên trên