Ngành Thuế phản hồi việc doanh nghiệp ‘kêu’ ách tắc hoàn thuế GTGT
Tính đến cuối tháng 4/2023, ngành Thuế đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tổng số tiền 33.905 tỷ đồng để doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế GTGT.
- 28-05-2023Khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn Thái Lan 3 lần, ngành du lịch nghẽn ở đâu?
- 27-05-2023Khách châu Âu không còn muốn hàng Made in China, công ty Trung Quốc tìm đến 'cứu tinh': Phải có nhà máy ở Việt Nam
- 27-05-2023Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ thị trường BĐS: Các bộ, ngành không né tránh giải quyết vướng mắc cho địa phương, ngân hàng tạo điều kiện cho chủ đầu tư và người mua nhà
4.760 hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ
Trước đó, hiệp hội, doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành gỗ, giấy, cao su than thở việc bị "giam" cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ, đối mặt với tình trạng thiếu vốn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo quy định, cơ quan Thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau. Tuy nhiên, hàng loạt công ty ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… phản ánh việc gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế GTGT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
“Mỗi năm, Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thuế khoảng 150.000 tỷ đồng. Việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, thời gian qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng. Theo đó, trong hoàn thuế hoạt động xuất khẩu, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, sau khi tiếp nhận ý kiến của Hiệp Hội gỗ và lâm sản Việt Nam và một số doanh nghiệp về vướng mắc trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã thực hiện tổng hợp nhanh kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT tại 63 tỉnh.
Theo đó, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5/2023, tình hình giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ là 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn 19.100 tỷ đồng; số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn là 215 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 1.514 tỷ đồng do doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn thì tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy hồ sơ của doanh nghiệp bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.
Số hồ sơ cơ quan Thuế từ chối đề nghị hoàn là 44 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn là 310 tỷ đồng. Do cơ quan thuế rà soát đối chiếu theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục...
Số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết là 199 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn là 1.119 tỷ đồng, chiếm 4,18% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn do nhiều nguyên nhân như hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; doanh nghiệp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; do doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; do doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu, do đang chờ kết quả xác minh...
Qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của ngành Thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ thì có đến 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đặc biệt trong số những doanh nghiệp này, có 24 doanh nghiệp nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua.
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các doanh nghiệp trung gian bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế nêu trên), nguyên nhân do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…
Vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đẩy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế (NNT).
Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả trong sử dụng vốn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của NNT gây bức xúc trong dư luận.
Nhằm đảm bảo việc hoàn thuế GTGT chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, đồng thời hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp”.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận từ NNT và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
“Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho NNT về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế đảm bảo công khai, minh bạch. Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh, khẩn trương giải quyết hoàn thuế cho NNT theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho NNT”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra, cơ quan thuế phải có thông báo bằng văn bản cho NNT được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định; khẩn trương rà soát hồ sơ khai thuế GTGT của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và các doanh nghiệp có dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn để hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách Nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Báo tin tức